Sóng gió vẫn đang đợi tỷ giá USD/VND

Thanh khoản, sự khác biệt chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và Fed là những yếu tố cơ bản tạo nên sóng gió cho tỷ giá USD/VND trong năm 2024...

Trong cuộc chia sẻ với báo chí, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam có một số nhận định và dự báo đối với đà tăng của đồng USD và tỷ giá.

Ông có thể cho biết về xu hướng của USD trong bối cảnh nguồn ngoại tệ vẫn đang khá dồi dào?

Đồng USD đã có đà suy giảm nhanh kỷ lục trong giai đoạn quý 4/2023 sau những kỳ vọng về việc ngân hàng trung ương Mỹ sẽ sớm hạ lãi suất ngay trong đầu năm 2024.

Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực từ thị trường lao động và kinh tế Mỹ thời gian gần đây, cùng những phát biểu của các thành viên FOMC về việc sẽ tiếp tục hành động dựa vào dữ liệu thực tế, đã khiến những thành viên thị trường dần cắt giảm kỳ vọng về việc FOMC sẽ sớm hạ lãi suất điều hành.

Ông Ngô Đăng Khoa

Do đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng nhẹ trở lại, kéo theo đồng bạc xanh cũng lấy lại phần nào sức mạnh trên thị trường quốc tế. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến các đồng nội tệ tại châu Á, trong đó có Việt Nam, suy yếu hơn so với USD.

Bên cạnh đó, với việc chênh lệch lãi suất vẫn ở mức cao, trong bối cảnh thanh khoản VND vẫn tương đối dư thừa ngay cả trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán, cũng khiến tỷ giá USD/VND tăng trong những tuần đầu năm 2024.

Dự báo của HSBC đối với giá USD trong quý 1/2024 và dài hạn cho cả năm 2024 như thế nào?

Chúng tôi kỳ vọng USD/VND chịu áp lực tăng trong quý 1/2024 vì 4 lý do chính. Thứ nhất, sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa Fed và Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ vẫn rộng. Ưu tiên chính sách của Việt Nam hiện nay tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng, trong khi đó trái ngược với Mỹ khi số liệu tăng trưởng vẫn cao hơn kỳ vọng và lạm phát cơ bản hạ nhiệt chậm đã khiến Fed duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài.

Thứ hai, thanh khoản VND trên thị trường liên ngân hàng có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức tốt do chưa có nhiều chuyển biến đáng kể về tăng trưởng tín dụng cũng như tốc độ giải ngân đầu tư công, ít nhất là trong quý 1 năm nay.

Thứ ba, trong khi thặng dư thương mại và vốn đầu tư FDI của Việt Nam có thể duy trì ở mức cao, một số biến động địa chính trị toàn cầu và trong khu vực có thể tạo nhiều tác động tương đối tiêu cực lên VND.

Thứ tư, đồng USD nói chung được kỳ vọng vẫn duy trì được sức mạnh trong những tháng đầu năm 2024, trong khi đồng CNY tiếp tục suy yếu trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc hồi phục chậm hơn dự kiến.

Tuy nhiên, triển vọng tỷ giá cho cả năm 2024 - đặc biệt trong nửa sau của năm - sẽ cải thiện hơn khi những yếu tố kể trên đảo ngược, đặc biệt khi đồng USD đạt đỉnh, kinh tế - tín dụng trong nước dần hồi phục. Chúng tôi hiện dự báo tỷ giá USD/VND sẽ kết thúc năm ở vùng giá 24.400.

Lãi suất tiền đồng hiện nay xuống khá thấp, ông có dự báo gì về lãi suất trong thời gian tới?

Chúng tôi tin rằng kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục trên đà phục hồi, được dự báo đạt mức tăng trưởng 6% vào năm 2024. Dòng vốn FDI tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hồi phục nhờ kinh tế toàn cầu ấm lên, sẽ là những yếu tố chính giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục kinh tế.

Về lạm phát, chỉ số CPI của Việt Nam đã được kiểm soát tốt trong năm 2023, thấp hơn nhiều mức chỉ tiêu bình quân 4,5%. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục ổn định vào năm 2024, với dự báo là 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4-4,5%.

Tuy nhiên, rủi ro lạm phát tăng từ năng lượng và thực phẩm vẫn còn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam rất nhạy cảm với những mặt hàng này, thể hiện qua tỷ trọng khá lớn trong rổ lạm phát. Mặc dù vậy, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% cho đến hết năm 2024.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm