“Sóng” tăng vốn ngân hàng: Ồn ào và lặng lẽ !

Nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đang chạy đua rốt ráo để tăng vốn nhanh trong năm 2017. Techcombank, VPbank, VIB, NamABank… là những cái tên đáng chú ý trong cuộc đua tăng vốn bằng cổ phiếu thưởng r
“Sóng” tăng vốn ngân hàng: Ồn ào và lặng lẽ !

Cuộc đua tăng vốn ở nhóm ngân hàng TMCP quy mô vừa đang rất sôi nổi 

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán khởi sắc, VN-Index được dự báo sẽ cán mốc 730 điểm trong ngắn hạn, dòng tiền đầu tư dồi dào và tăng mạnh… sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.

Mạnh tay chia cổ tức… giấy

Tính đến nay, đã có 14 ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn trong năm 2017 với tổng quy mô vốn tăng thêm khoảng hơn 33 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm được thực hiện qua hình thức chia cổ tức và thưởng bằng cổ phiếu, huy động từ cổ đông hiện hữu, cổ đông/đối tác chiến lược trong và ngoài nước…

Việc tăng vốn điều lệ được các ngân hàng thực hiện rốt ráo hơn trước áp lực phải tuân thủ các quy định khắc khe hơn của Basel II, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo an toàn vốn, thanh khoản cũng như mở rộng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Nếu như các “ông lớn” ngân hàng thận trọng tăng vốn thì khối nhà băng TMCP lại rất sôi động với kế hoạch phát hành cổ phiếu lớn. Nổi bật nhất là Ngân hàng TMCP Quốc tế VIB với hành trình 3 năm (2015-2017) liên tục tăng vốn bằng chia cổ tức và thưởng cổ phiếu tới 23-25%. Năm nay, ĐHCĐ thường niên VIB đã phê duyệt phương án chia cổ tức tiền mặt là 5% và cổ phiếu thưởng 39,6% với tổng vốn tăng thêm hơn 2.235 tỷ đồng. Nguồn tăng vốn được lấy từ lợi nhuận luỹ kế, quỹ thặng dư và quỹ bổ sung vốn điều lệ. Dự kiến, VIB sẽ đạt mức vốn kỷ lục hơn 7.880 tỷ đồng.

Bộ đôi Techcombank – VPBank cũng đang chạy đua tăng vốn điều lệ lớn chưa từng thấy. Trong đó, do lợi nhuận năm 2016 rất tốt, Techcombank dự kiến sẽ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Nhờ đó, tăng vốn từ 8.878 tỷ đồng hiện tại lên mức 13.878 tỷ đồng, tức tăng 56% trong năm nay.

Còn VPBank dự kiến sẽ chia cổ tức tối đa là 31,84% bằng cổ phiếu cho hai nhóm cổ đông để trả cổ tức (lợi nhuận được phân phối 3.194 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (còn 98,84 tỷ đồng).  Vốn điều lệ của VPbank dự kiến tăng lên 14.059 tỷ đồng, tức tăng hơn 3.294 tỷ đồng.

Đồng thời, VPbank còn dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tối đa 10% tổng số cổ phần phổ thông (tương đương 133.268.904 CP), song đến phút chót đã nâng lên mức tối đa 15%.

Cùng trên đường đua, NamAbank gây xôn xao khi công bố kế hoạch tăng vốn hơn 65%, từ mức 3.021 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Theo đó, nhà băng này dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức của năm 2015 là gần 151 tỷ đồng và phát hành thêm giá trị khoảng 1.828 tỷ đồng.

Tiền đâu tăng vốn?

Với những ngân hàng có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, tích luỹ nguồn quỹ thặng dư, quỹ bổ sung vốn lớn thì việc tăng vốn sẽ thuận lợi hơn. Nhất là khi thị trường chứng khoán đang chờ đón những mã cổ phiếu tốt ở nhóm ngân hàng đang “ăn nên, làm ra” suốt nhiều năm qua như VIB, VPBank, Techcombank. Các đợt chia thưởng cổ phiếu ồ ạt cũng là bước chạy đà tăng nhanh quy mô vốn ngân hàng trước khi niêm yết, để gia tăng giá trị cho cổ đông và hạn chế khả năng thâu tóm.

Cuộc đua lần này lại bất ngờ xuất hiện hai ngân hàng VietABank và Quốc Dân - NCB vốn rất “kín tiếng” về kế hoạch tái cơ cấu thời gian qua.

ĐHCĐ thường niên ngày 28/4/2017 đã thông qua kế hoạch tăng vốn của VietAbank thêm tới 4.200 tỷ đồng, lên mức 7.700 tỷ đồng. Theo đó, VietAbank sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu 10% và phát hành riêng lẻ 9,1% cho nhà đầu tư.

Nhưng, điều cổ đông băn khoăn là VietAbank sẽ lấy nguồn tiền tăng vốn ở đâu? Bởi năm qua ngân hàng chỉ lãi vỏn vẹn 106 tỷ đồng, năm 2017 cũng dự kiến lãi 253 tỷ đồng và vấn đề xử lý nợ xấu vẫn còn gian nan.

Một cách tăng vốn khác là sáp nhập tổ chức tín dụng khác thì đến giờ, lãnh đạo VietAbank vẫn còn bỏ ngỏ và cho hay “thực hiện bám sát Đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, nhưng vẫn theo sát các thương vụ M&A của các ngân hàng khác. Chúng tôi nhận thấy có những điểm tích cực nhưng cũng có những vấn đề chưa tích cực”.

Với trường hợp NCB, sau nhiều năm lặng lẽ thực hiện tái cơ cấu, ĐHCĐ năm 2017 đã thông qua kế hoạch tăng vốn gấp đôi lên 6.010 tỷ đồng. Theo đó bà Nguyễn Thị Mai, Thành viên HĐQT, NCB dự kiến sẽ tăng vốn từ phát hành trái phiếu chuyển đổi và thu hút thêm cổ đông chiến lược. Năm qua, ban lãnh đạo đã làm việc với các đối tác trong nước và đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc để tìm kiếm cơ hội.

Tuy vậy, NCB rất hạn chế công bố chi tiết các báo cáo tài chính đã kiểm toán của năm 2014-2016 nên cổ đông rất hoài nghi về “sức khoẻ” tài chính thực sự của NCB? Nhất là khi NCB có quy mô vốn 3.010 tỷ đồng nhưng lợi nhuận đạt rất thấp, riêng năm 2016 lãi sau thuế “khá khẩm” hơn cũng chỉ ở mức.. 13 tỷ đồng.

Giữa sóng tăng vốn dồn dập, MaritimeBank vẫn lặng lẽ chưa có tín hiệu tăng thêm vốn sau thương vụ nhận sáp nhập MekongBank hồi năm 2015, giúp nâng vốn lên 11.750 tỷ đồng. Năm 2016 vừa qua là năm không thuận lợi của Maritime Bank khi phải đối mặt với việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch VID Group và là vợ ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Maritime Bank bị mất tư cách ĐBQH. Đồng thời là tin đồn về việc ngân hàng này có thời điểm phải chịu “kiểm soát đặc biệt”, các giao dịch lớn đều phải trình xin phê duyệt. Sự siết chặt nguồn vốn đã khiến cho dự án bất động sản lớn của VID Group gặp khó khăn.

Đến nay, Maritime Bank vẫn hoạt động ổn định, song chưa rõ có kế hoạch tăng vốn hay niêm yết cổ phiếu có trình lên ĐHCĐ cuối tháng 5 tới hay không?

>> Lợi nhuận của VIB đang "nấp” ở đâu?

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...