S&P 500 mất chuỗi tăng dài nhất trong 20 năm, giá dầu chạm đáy 48 tháng

Sau chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp, chỉ số S&P 500 đã giảm điểm vào thứ Hai khi thị trường đánh giá các tuyên bố thuế quan mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump…

Chứng khoán Mỹ kết phiên trong sắc đỏ, giá dầu tăng nhẹ
Chứng khoán Mỹ kết phiên trong sắc đỏ, giá dầu tăng nhẹ

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số Dow Jones giảm 98,60 điểm (-0,24%) xuống 41.218,83 điểm, S&P 500 mất 36,29 điểm (-0,64%) còn 5.650,38 điểm và Nasdaq Composite trượt 133,49 điểm (-0,74%) thành 17.844,24 điểm.

Năng lượng là lĩnh vực hoạt động yếu nhất trong số 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500, giảm hơn 2% sau khi có tin tức OPEC+ quyết định tăng tốc sản lượng, từ đó gây lo ngại về tình trạng dư cung trong khi nhu cầu vẫn còn ảm đạm.

Vào ngày 4/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 100% đối với các bộ phim sản xuất ngoài nước Mỹ, tuy nhiên không đưa ra chi tiết cụ thể về cách thức triển khai loại thuế này. Cổ phiếu của nhiều công ty sản xuất phim và truyền hình giảm mạnh ngay sau thông báo, nhưng sau đó đã phục hồi được phần nào. Cuối phiên, cổ phiếu Netflix giảm 1,9%, chấm dứt chuỗi 11 phiên tăng điểm. Amazon.com cũng mất 1,9%, trong khi Paramount Global trượt 1,6%.

Cổ phiếu hạng B của Berkshire Hathaway trượt dốc 5,1% sau thông báo nghỉ hưu của tỷ phú Warren Buffett.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 13,67 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 18,68 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trong 20 ngày giao dịch gần đây.

“Chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp của S&P 500 là điều rất khó duy trì. Thị trường dù vẫn kỳ vọng về các thỏa thuận thương mại nhưng chúng ta đang cạn dần thời gian, mỗi tuần trôi qua mà chưa đạt được thỏa thuận thì nền kinh tế lại chịu thêm tổn thất”, ông Art Hogan, chiến lược gia thị trường tại B Riley Wealth nhận xét.

Về mặt kinh tế, khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy lĩnh vực dịch vụ đã tăng trưởng trở lại trong tháng 4. Tuy nhiên, chỉ số giá đầu vào mà doanh nghiệp phải trả cho nguyên vật liệu và dịch vụ chạm mức cao nhất trong hơn 2 năm, cho thấy áp lực lạm phát đang gia tăng do tác động từ thuế quan.

Các nhà đầu tư đều bày tỏ quan ngại về tác động của thuế quan đối với lợi nhuận doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư đang dõi theo sát sao thông báo chính sách của Fed vào cuộc họp tới, với khả năng cao là ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất. Phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng rất được quan tâm khi thị trường tìm kiếm thêm tín hiệu về thời điểm Fed có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Theo dữ liệu từ LSEG, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ giảm tổng cộng 0,75 điểm phần trăm trong năm 2025, với lần giảm đầu tiên, ít nhất 0,25 điểm, sẽ diễn ra trong cuộc họp tháng 7 tới.

GIÁ DẦU RƠI XUỐNG MỨC THẤP NHẤT TRONG 4 NĂM

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 1 USD xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm sau khi OPEC+ quyết định đẩy nhanh việc tăng sản lượng. Hợp đồng tương lai dầu Brent mất 1,06 USD, tương đương 1,7%, còn 60,23 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ trượt 1,16 USD, tương đương 2%, xuống 57,13 USD/thùng. Cả hai đều đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Việc 8 thành viên OPEC+ tăng sản lượng trong tháng 6 sẽ đưa con số tổng trong ba tháng 4, 5 và 6 lên 960.000 thùng/ngày, tương đương 44% mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày được đồng thuận từ năm 2022 đến nay, theo tính toán của Reuters.

“Việc tăng sản lượng, do Arab Saudi dẫn đầu, không chỉ là động thái nhằm thách thức nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ mà còn là cách để trừng phạt các thành viên đã hưởng lợi từ giá cao nhưng vi phạm thỏa thuận sản lượng”, chuyên gia Hansen của ngân hàng Saxo nhận định.

Theo ông David Wech, nhà kinh tế trưởng của công ty dữ liệu Vortexa, kể từ giữa tháng 2 đến nay, lượng tồn kho dầu thô toàn cầu đã tăng khoảng 150 triệu thùng, tính cả trong các kho trên đất liền lẫn tàu chở dầu ngoài biển.

“Những lo ngại về nguy cơ tồn kho dầu toàn cầu tăng cao trong những tháng tới, do nhu cầu có thể suy giảm vì chính sách thuế quan, càng làm trầm trọng thêm các tin xấu từ phía cung”, chuyên gia Jim Ritterbusch của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch & Associates, lưu ý.

Các ngân hàng ING và Barclays đã điều chỉnh dự báo giá dầu Brent sau quyết định của OPEC+. Barclays hạ dự báo giá dầu Brent năm 2025 xuống 66 USD/thùng (giảm 4 USD) và năm 2026 xuống 60 USD (giảm 2 USD). ING dự đoán giá Brent trung bình năm nay sẽ là 65 USD/thùng, thấp hơn so với mức 70 USD trước đó.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan trở thành cổ đông lớn Yeah1

Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan trở thành cổ đông lớn Yeah1

Trong bối cảnh thị trường truyền thông và giải trí cạnh tranh khốc liệt, Yeah1 ghi dấu ấn bằng kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý đầu năm 2025. Doanh nghiệp này còn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại khi một quỹ lớn đến từ Phần Lan chính thức trở thành cổ đông lớn...

"Họ Vin” khởi đầu 2025 rực rỡ, lợi nhuận quý 1/2025 lập kỷ lục

"Họ Vin” khởi đầu 2025 rực rỡ, lợi nhuận quý 1/2025 lập kỷ lục

Sau một năm 2024 đầy biến động, hệ sinh thái Vingroup bước sang năm 2025 với khí thế bứt phá ngoạn mục, thể hiện rõ qua loạt báo cáo tài chính quý 1 từ các "trụ cột" trong tập đoàn (bất động sản, sản xuất đến bán lẻ0 đồng loạt ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng...

Công ty chứng khoán nào đang cho vay margin cao nhất?

Công ty chứng khoán nào đang cho vay margin cao nhất?

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2025 với cuộc đua margin sôi động chưa từng có, khi hàng loạt công ty chứng khoán như VPS, Kafi, SSI, VCBS và VPBankS liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới về tăng trưởng dư nợ...

S&P 500 tăng nhẹ trước thềm công bố các báo cáo quan trọng

S&P 500 tăng nhẹ trước thềm công bố các báo cáo quan trọng

S&P 500 đã có một phiên giao dịch đầy biến động do áp lực từ nhóm cổ phiếu công nghệ, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi loạt thông tin quan trọng về dữ liệu kinh tế và báo cáo lợi nhuận từ một số tập đoàn lớn nhất nước Mỹ…