S&P 500 và Nasdaq tiếp tục bứt phá, kéo dài chuỗi tăng lâu nhất 2 năm

Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm vào 7/11, với S&P 500 và Nasdaq ghi nhận chuỗi tăng dài nhất trong hai năm, do sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu đã hỗ trợ cho cổ phiếu trong khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự rõ ràng hơn từ Fed…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 7/11, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 56,94 điểm (+0,17%) lên 34.152,8 điểm; S&P 500 thêm 12,40 điểm (+0,28%) thành 4.378,38 điểm và Nasdaq Composite leo 121,08 điểm (+0,90%) lên mức 13.639,86 điểm.

S&P 500 ghi nhận ngày thứ bảy liên tiếp trong sắc xanh, Nasdaq ghi nhận mức tăng thứ tám liên tiếp. Đây là chuỗi tăng dài nhất đối với cả hai chỉ số trong hai năm. Chỉ số Dow Jones tăng ở phiên thứ bảy liên tiếp, phiên tăng dài nhất kể từ đợt tăng 13 phiên vào tháng 7/2023.

Năng lượng, lĩnh vực hoạt động kém nhất trong phiên, giảm 2,2% do giá dầu thô giảm hơn 4% vì lo ngại về nhu cầu suy yếu cũng như đồng USD mạnh mẽ.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tiếp tục đà đi xuống ở phiên thứ năm do kỳ vọng về việc Fed hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất.

Sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu đã giúp các tên tuổi tăng trưởng vốn hóa lớn như Microsoft tăng 1,1%, Apple tăng 1,5% và Amazon tăng 2,1% - cũng là động lực thúc đẩy lớn nhất cho cả S&P 500 và Nasdaq.

Ở các diễn biến riêng lẻ khác, Uber Technologies lên 3,7% nhờ dự báo lợi nhuận cốt lõi đã điều chỉnh trong quý 4 sẽ cao hơn ước tính.

Datadog leo vọt 28% sau khi nâng dự báo về lợi nhuận và doanh thu được điều chỉnh hàng năm.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,08 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,94 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Kỳ vọng rằng chu kỳ tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc đã xuất hiện nhiều hơn trong những ngày gần đây, nhưng thị trường vẫn cẩn trọng với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất nhiều hơn nữa khi các quan chức đưa ra nhiều bình luận khác nhau về lộ trình chính sách trong tương lai.

Các thị trường đang đặt cược 90,2% khả năng Fed sẽ một lần nữa giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp chính sách tháng 12, theo FedWatch Tool của CME.

Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết trong cùng ngày rằng tăng trưởng kinh tế trong quý 3 của Mỹ, với tỷ lệ 4,9% hàng năm, là một kết quả tuyệt vời cần được theo dõi khi ngân hàng trung ương xem xét các động thái chính sách tiếp theo của mình.

Trong khi đó, Thống đốc Michelle Bowman lưu ý, số liệu GDP gần đây chính là bằng chứng cho thấy nền kinh tế không chỉ vẫn mạnh mẽ mà còn đang tăng tốc, do đó bà cho rằng lãi suất chính sách của Fed cần tăng cao hơn.

Chủ tịch Fed khu vực Dallas Lorie Logan cũng lên tiếng nói rằng mặc dù bà ủng hộ việc giữ nguyên lãi suất vào tuần trước để có thời gian đánh giá thêm các điều kiện tài chính có đủ thắt chặt để giảm lạm phát hay không, nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức quá cao so với mục tiêu.

Ngược lại, Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis Neel Kashkari và Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee không loại trừ khả năng cắt giảm lãi suất.

Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có buổi phát biểu vào thứ Tư và thứ Năm tuần này (8-9/11).

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm mạnh hơn 4% vào 7/11 xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7, do dữ liệu kinh tế hỗn hợp của Trung Quốc cũng như tình hình xuất gia khẩu tăng từ OPEC làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung thắt chặt.

Hợp đồng tương lai dầu Brent lần đầu tiên đóng cửa dưới 84 USD/thùng kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel nổ ra vào ngày 7/10.

Cuối phiên, dầu Brent ổn định ở mức 81,61 USD/thùng, giảm 3,57 USD, tương đương 4,2%, trong khi giá dầu thô WTI ghi nhận mức 77,37 USD/thùng, giảm 3,45 USD, tương đương 4,3%.

Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết: “Các nhà giao dịch sẽ vẫn cảnh giác cao độ trước những dấu hiệu xung đột lan rộng trong khu vực Trung Đông, vốn có khả năng làm gián đoạn nguồn cung, nhưng dường như những lo ngại đó đang giảm bớt”.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS chỉ ra rằng sự phục hồi trong xuất khẩu dầu từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng tạo thêm áp lực lên giá dầu: “Xuất khẩu dầu thô của OPEC tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày kể từ mức thấp trong tháng 8, do nhu cầu nội địa giảm theo mùa ở Trung Đông. Có vẻ như nguồn cung vẫn đang còn nhiều để các quốc gia tiêu thụ dầu hấp thụ”.

Có thể bạn quan tâm