Sự hưng phấn của doanh nghiệp là cơ hội để nền kinh tế phục hồi

Những biến số lớn, phức tạp của kinh tế vĩ mô đang thách thức cả Chính phủ và doanh nghiệp trong nỗ lực phục hồi và tìm lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, sức vươn mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp đang là cơ hội không thể bỏ lỡ.

Doanh nghiệp trở lại

Số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại kỷ lục của 5 tháng đầu năm 2022 được TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhắc đi nhắc lại khi nói về cơ hội phục hồi của nền kinh tế.

“Tôi luôn tin vào sự năng động, sức sống tiềm ẩn trong các doanh nghiệp Việt Nam và vì vậy, phải để cho khu vực này trở lại nhanh. Nếu kiềm chế nguồn vốn tư nhân thì sẽ làm chậm lại và mất đi cơ hội của nền kinh tế", TS. Thiên chia sẻ khi được đề nghị đánh giá về tình hình 6 tháng còn lại của năm 2022.

Với 13.370 doanh nghiệp thành lập mới, tháng 5/2022 là tháng có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước của giai đoạn 2016-2021. Tính chung, số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2022 là 62.961, cũng là con số cao nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm từ trước đến nay.

Cũng phải nhắc thêm, đà tăng này đã được ghi nhận từ tháng 4/2022, với 15.001 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Khi đó, các con số này đã khiến cả cơ quan quản lý và giới chuyên gia cảm thấy bất ngờ và vui mừng.

Suốt từ đầu năm tới giờ, những biến số rất lớn của nền kinh tế không chỉ xuất hiện nhiều hơn mà còn phức tạp, khó dự báo hơn rất nhiều. Dịch bệnh vẫn còn phức tạp cộng thêm xung đột quân sự Nga – Ukraine tiếp tục làm trầm trọng hơn sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, của chuỗi sản xuất, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, đặc biệt là giá dầu đẩy lạm phát tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tốc độ hồi phục của kinh tế thế giới chậm lại so với dự báo...

Việt Nam tiếp tục đứng vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo tạo thêm niềm hứng khởi cho nền kinh tế (Nguồn: VNEconomy)

Việt Nam tiếp tục đứng vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo tạo thêm niềm hứng khởi cho nền kinh tế (Nguồn: VNEconomy)

Song, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5/2022 của Việt Nam đã tăng lên 54,7 điểm, cao hơn so với mức 51,7 điểm của tháng trước. Theo IHS Markit, các nhà sản xuất cho biết sản lượng tháng 5/2022 tăng mạnh và nhanh nhất trong 13 tháng trở lại đây nhờ số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng với tốc độ đáng kể, cho dù có chịu ảnh hưởng từ chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc.

Có thể thấy, khu vực đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế mấy tháng qua.

Nhưng đây chính là điều mà ông Thiên đang trăn trở. Khu vực doanh nghiệp trong nước còn rất yếu, nhất là các doanh nghiệp trong các ngành ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh như du lịch, lưu trú, vận tải, bán buôn, bán lẻ.

“Vừa rồi, tôi có dịp đi một số địa phương, có thấy các hoạt động kinh doanh tưng bừng lên trong đợt nghỉ lễ, nhưng cũng chỉ một đôi chút, chứ chưa thực sự trở lại được. Lúc này, doanh nghiệp Việt Nam mà trỗi dậy được, những dự án lớn được thực hiện, thì hiệu ứng không chỉ là doanh nghiệp vực dậy được mà còn lớn lên, mạnh hơn”, ông Thiên nhận định.

Nỗi lo lỡ nhịp

Việc triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023 khá chậm là lý do TS. Thiên nhắc tới sự trỗi dậy vào thời điểm này của doanh nghiệp Việt Nam.

Đến tháng 6/2022, vẫn còn một số văn bản chưa được hoàn thiện, như hướng dẫn về trình tự, thủ tục để thực hiện chỉ định thầu đối với những gói thầu có cơ chế đặc thù trong dự án của đường cao tốc Bắc – Nam; sửa thông tư hướng dẫn về việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ và Quỹ Hỗ trợ viễn thông công ích.

Cuối tháng 5/2022, Chính phủ mới ban hành được nghị định quy định về thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mại (với giá trị 40.000 tỷ đồng). Việc triển khai gói hỗ trợ lao động thuê nhà cũng chậm, mới giải ngân được 2 tỷ đồng trong số 6.600 tỷ đồng. Chỉ có gói hỗ trợ miền, giảm thuế VAT được thực hiện sớm, từ tháng 2/2022.

Đặc biệt, ông Thiên sốt ruột với tốc độ giải ngân gói 134.000 tỷ đồng là dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, đang rất chậm, trong bước thực hiện các thủ tục, quy trình của Luật Đầu tư công.

“Có 2 ý tôi muốn chia sẻ khi nói về Chương trình này. Một là quy mô và hai là tốc độ. Vì nền kinh tế đang cần năng lực, nguồn lực để tận dụng cơ hội phục hồi, rồi đứng dậy, phát triển, nhất là khu vực doanh nghiệp trong nước. Lấy một ví dụ thôi, đó là du lịch quốc tế đang hồi phục nhanh, các doanh nghiệp hàng không, du lịch, lưu trú có thể tiếp cận nhanh các gói hỗ trợ để chuẩn bị nhanh các điều kiện đón dòng khách mới quay lại chưa?”, ông Thiên đặt vấn đề.

Thực ra, ngay khi được Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được ban hành, khá nhiều chuyên gia cho rằng, gói hỗ trợ 350 ngàn tỷ đồng vốn chưa đủ lớn như kỳ vọng, nhất là khi so với các nền kinh tế trong khu vực. Giờ thì tốc độ chậm lại khiến hạn chế về quy mô tăng lên. Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công – vốn được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn khu vực doanh nghiệp tư nhân đang khó khăn sau thời gian dài dịch bệnh, tiếp tục chậm. Trong báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm, 41/51 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đồng quan điểm, khi lo ngại về sự lỡ nhịp của kinh tế Việt Nam so với thế giới. Năm ngoái, khi kinh tế thế giới có tốc độ tăng trưởng nhanh trở lại sau dịch bệnh, được ghi nhận ở mức 5,9% thì Việt Nam chỉ đạt được con số 2,58%.

Năm nay, trong khi các gói chính sách hỗ trợ của Việt Nam chuẩn bị tung ra, thì kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn siết lại để kiểm soát lạm phát. “Chúng ta đã không kịp tận dụng đà hồi phục nhanh của kinh tế thế giới”, ông Cung nuối tiếc.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, khung khổ pháp lý hiện nay được thiết kế cho nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi, nhưng giờ là giai đoạn nền kinh tế cần cơ chế thị trường đầy đủ, hiện đại để hội nhập và ứng phó kịp với xu thế phát triển mới. Trong quá trình này, chỉ cần có sự không tương thích trong các quy định, tư duy không phù hợp với cơ chế thị trường, thì doanh nghiệp sẽ đối mặt với cả thất bại trong kinh doanh và rủi ro pháp lý không đáng có.

Cơ hội trong khe cửa

Cho dù những tác động tiêu cực đè nặng lên các quyết định điều hành của Chính phủ, song giới chuyên gia kinh tế lại đang thấy không ít cơ hội ngược dòng của kinh tế Việt Nam.

Những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô là điều đầu tiên được nhắc tới. 5 tháng đầu năm nay, CPI mới tăng bình quân 2,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra, thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn 2017-2020. Lãi suất đầu vào, tuy có tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng, nhưng lãi suất đầu ra vẫn được kiềm chế. Tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ, dù tăng, nhưng về cơ bản vẫn được Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức ổn định, tạo thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát nhập khẩu và hỗ trợ phần nào cho xuất khẩu.

Chính vì vậy, mặc dù áp lực lạm phát rất lớn, song giới chuyên gia nhìn nhận, việc thúc đẩy thực hiện các gói hỗ trợ vẫn cần phải tiếp tục, thậm chí đẩy nhanh hơn vào thời điểm này.

Các doanh nghiệp vẫn khát vốn vì tốc độ giải ngân gói hỗ trợ 350 ngàn tỷ đồng vốn đã chậm nay lại càng chậm. (Sản xuất nông sản xuất khẩu ở công ty Dace)
Các doanh nghiệp vẫn khát vốn vì tốc độ giải ngân gói hỗ trợ 350 ngàn tỷ đồng vốn đã chậm nay lại càng chậm. (Sản xuất nông sản xuất khẩu ở công ty Dace)

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia cho rằng, khi tăng cung tiền vào nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế thì tiền đó chảy vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng tốc độ phục hồi, vòng quay tiền tăng lên thì sẽ giảm tác động tiêu cực tới lạm phát.

“Một là, không nên sợ cung tiền tăng thì lạm phát tăng ngay. Hai là, nguy cơ lạm phát hiện tại có phần lớn do chi phí bên ngoài, phần này là bất khả kháng, nghĩa là không làm gì thì vẫn lạm phát. Còn phần ta chủ động được là khơi thông bên ngoài và bên trong, không để ách tắc các nguồn lực cho phát triển”, ông Thắng nói.

Về cơ bản, lạm phát của Việt Nam hiện tại do chi phí đẩy, do nhập khẩu nhiều nên chịu tác động của giá cả nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển trên thế giới tăng cao và có thể kéo dài, khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn. Nghĩa là nếu siết cung tiền thì lạm phát vẫn tăng.

Với góc nhìn này, nếu kiềm chế lạm phát quá mức sẽ dẫn đến hai hậu quả. Một là, chi phí để kìm cương lạm phát sẽ cao hơn chi phí nới lỏng ở mức phù hợp. Hai là, trong điều kiện nhập khẩu lạm phát, siết chặt tiền tệ có thể dẫn đến tình trạng đóng băng nền kinh tế giữa một thế giới sôi động.

TS. Trần Đình Thiên cho rằng, khi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu thiệt hại đầu tiên vì lúc này, doanh nghiệp cần tiền để chi trả, ứng phó với việc tăng giá, có nguồn lực để chi trả, phục vụ các kế hoạch phục hồi.

“Tất nhiên, việc điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa sẽ khó khăn, đòi hỏi nghệ thuật, bám sát tình hình và sự linh hoạt. Chính vì vậy, tôi mong muốn một Chương trình phục hồi và phát triển có tính mở hơn, có nghĩa là nếu có những tác động tích cực thì có thể đẩy thêm nguồn lực để tận dụng đà tăng nhanh trở lại... Ngược lại, trong quá trình triển khai, nếu thấy có tín hiệu tác động đến những giới hạn của lạm phát thì có thể siết lại”, ông Thiên khuyến nghị.

Nhưng điều này cũng sẽ đòi hỏi những giải pháp, cách làm bất thường, để kịp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phục hồi kinh tế. Đi cùng với đó là những con người dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch

Trả lời câu hỏi, doanh nghiệp cần gì nhất vào lúc này, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam đã nói: “Cần thể chế để tạo động lực cho các doanh nghiệp mạnh dạn, không sợ rủi ro để đầu tư”.

Ông So là doanh nhân và đang là đại biểu Quốc hội, nên ông rất hiểu nguyên do của những chậm trễ trong triển khai các gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó phần nhiều là ở giai đoạn triển khai, tâm lý ngần ngại với những cơ chế, chính sách mới, chưa có tiền lệ, nên sợ làm sai. Bên cạnh đó, theo ông So, sự thay đổi rất nhanh của bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khiến nhiều cơ chế, chính sách không thể chỉnh sửa nữa mà cần thay đổi.

“Nhưng khi chưa thay đổi, rất khó làm, thậm chí không dám làm, cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp”, ông Nguyễn Như So thẳng thắn.

Như vậy, khó khăn mà giới kinh doanh đối mặt không chỉ là tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, nước ngoài như các chuyên gia kinh tế nhận định, mà còn ở những rủi ro của môi trường kinh doanh đang cần thay đổi, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách.

“Tôi rất trông chờ vào nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, để doanh nghiệp an tâm làm ăn”, ông So nói.

Hiện tại, việc này đang được Chính phủ thực hiện thông qua các nhiệm vụ rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định liên quan đến phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường, như pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản, khoa học – công nghệ, lao động. Nghĩa là, trong ngắn hạn sẽ chưa thể có những thay đổi ngay trong hệ thống pháp luật.

Nhưng, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc có thể làm ngay và tạo tác động tích cực luôn, đó là cắt giảm thủ tục, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân. Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tìm lại sự hứng khởi từ những hành động cụ thể, thiết thực.

 “Lúc này, doanh nghiệp cần thể chế để tạo động lực cho các doanh nghiệp mạnh dạn, không sợ rủi ro để đầu tư. Tôi rất trông chờ vào nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, để doanh nghiệp an tâm làm ăn”.

Ông Nguyễn Như So

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm