Sự vô lý của chứng khoán nhìn từ "ông lớn" Vietcombank

Giới tài chính đều thừa nhận Vietcombank hiện là một trong những ngân hàng tốt nhất Việt Nam. Nếu tình hình kinh doanh, tài chính của tất cả tổ chức tín dụng đều được như Vietcombank, hẳn ngành ngân h
Sự vô lý của chứng khoán nhìn từ "ông lớn" Vietcombank

Nhận xét trên xuất phát từ thực tế. Không có ngân hàng nào hiện nay có tổng mức trích lập dự phòng rủi ro cao như Vietcombank, tỷ lệ này là 136% trong nửa đầu năm. Nghĩa là Vietcombank trích lập dự phòng 1,36 đồng cho 1 đồng nợ xấu. Trích nhiều như thế Vietcombank có ý “đề phòng”. Giả sử có khoản nợ xấu nào bất ngờ xảy ra, ngân hàng có nguồn xử lý ngay.

Nhưng giới đầu tư lại nhìn nhận khác. Một số suy diễn Vietcombank trích lập nhiều vì không muốn để lợi nhuận quá cao, cao hơn các đồng nghiệp. Cho dù suy diễn thế nào, thực tế vẫn là “cơm không ăn, gạo còn đó” Vietcombank có thể hoàn nhập trích lập dự phòng để điều chỉnh lợi nhuận ở mức cao hơn bất cứ thời điểm nào.

Vietcombank cũng mới công bố báo cáo tài chính quí 3-2017, theo đó lợi nhuận trước thuế chín tháng đầu năm đạt 7.934 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Việc ngân hàng vượt 10.000 tỉ đồng lợi nhuận năm nay đã ở trong tầm tay. Nợ xấu ở mức thấp 1,15%. Ngày 20-11 tới Vietcombank cũng bán đấu giá toàn bộ cổ phần nắm giữ ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương và Công ty cổ phần Tài chính xi măng. Phần chênh lệch sẽ được ghi nhận vào lợi nhuận quí 4-2017.    

Với vị thế dẫn đầu, lẽ ra thị giá cổ phiếu Vietcombank đã phải đạt một mức tăng trưởng tương ứng, nhưng 12 tháng qua cổ phiếu này chỉ dao động từ mức 34.000 đồng lên 40.000 đồng (giá ngày 24-10-2017). Thậm chí thị giá của VCB còn thấp hơn cả VPB dù mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Sự vô lý của biến động một chứng khoán đang được phát huy chỉ bởi VCB là cổ phiếu đại chúng, giao dịch thực sự mang tính thị trường, không có đội lái, thông tin minh bạch.

Sự vô lý ấy có thể sẽ được thị trường tự động điều chỉnh trong những tuần tới nhất là khi VN-Index đang chịu sức ép rất lớn của việc liệu có vượt qua ngưỡng 830 điểm một cách “tử tế”. Chúng tôi nhấn mạnh từ “tử tế” vì gần đây nhiều ngày chỉ số tăng điểm bằng bàn tay góp sức đáng ngại của những cổ phiếu thanh khoản cực kém như BHN, SAB hoặc có dấu ấn kỹ thuật giao dịch tay phải qua tay trái.

Có ý kiến nhận định bây giờ là thời điểm của những cổ phiếu vốn hóa lớn và vì thế để kiếm lợi nhuận, nhà đầu tư bắt buộc phải giải ngân ít nhiều vào những cổ phiếu này. Họ bán ra những cổ phiếu giá trị vốn hóa nhỏ, lợi nhuận và doanh thu không thuộc nhóm đầu. Kết quả là sự phân hóa giữa các cổ phiếu đang doãng rộng tới đỉnh điểm.

Nhóm SmallCap và MidCap rõ ràng không được hưởng lợi từ xu thế đang thịnh hành. Nhiều cổ phiếu rơi về vùng giá “rẻ như cho” song vẫn vắng bóng người mua. Sự phân hóa sẽ còn kéo dài bao lâu không ai dự báo được.

Đã đến lúc cần xem xét một cách thỏa đáng tình trạng mà nhiều công ty chứng khoán đưa ra trong báo cáo phân tích thị trường hàng ngày dành cho khách hàng là “xanh vỏ đỏ lòng”. Một thị trường nơi mà chỉ số chỉ phụ thuộc vào một vài cổ phiếu, sẽ không phản ánh chân thực diễn biến trong lòng nó, dễ dẫn đến ngộ nhận về mức độ tăng trưởng và gây tổn thương cho sự tham gia niêm yết của hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Mặt khác sự tăng giá do thanh khoản quá yếu của những cổ phiếu như BHN hay SAB đang đẩy thị giá của chúng biến động quá xa so với giá trị thật, gây khó khăn cho việc thoái vốn của Nhà nước. Cho dù hấp dẫn đến đâu, giá trị cổ phiếu cũng phải gắn với giá trị doanh nghiệp.

Trở lại với Vietcombank. Vấn đề của ngân hàng này hiện nay là đòi hỏi tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng chỉ số an toàn vốn, tăng hạn mức tín dụng được cung ứng cho một khách hàng. Nếu năm nào Vietcombank cũng trả cổ tức bằng tiền khoảng 10%, thì ngân sách thu được một khoản không nhỏ.

Tuy nhiên Nhà nước sẽ có lợi hơn nếu tạo điều kiện để Vietcombank trở thành một Vinamilk thứ hai, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách khi Nhà nước thoái vốn bằng cách cho phép Vietcombank được sử dụng lợi nhuận để tăng vốn thông qua chia thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Đó đồng thời là câu chuyện tương tự với những ngân hàng khác như BIDV, VietinBank và những doanh nghiệp chuẩn bị bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, cổ phần hóa. Ngoài ra việc tăng cường hàng hóa chất lượng cao cho sàn Hose cần được đặt lên hàng đầu không phải chỉ để chỉ số VN-Index bao quát rộng lớn lượng doanh nghiệp niêm yết, mà còn nhằm thu hút dòng tiền cả nội lẫn ngoại.

Quy định yêu cầu các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch ngay trên sàn UpCom để cổ đông có thể giao dịch có lẽ mang tính hình thức hơn tháo gỡ bản chất vấn đề. Thứ nhất chỉ số UpCom không đại diện cho thị trường chứng khoán như VN-Index. Thứ hai giao dịch trên UpCom vẫn rất nhỏ so với Hose cả về hai phương diện giá trị cũng như thanh khoản.

Theo Hải Lý/TBKTSG

>> 9 tháng, Vietcombank báo lãi trước thuế 7.934 tỷ đồng, nợ mất vốn giảm còn 3.379 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...