Sưu tầm đồng hồ Liên Xô: Hồi tưởng giấc mơ một thế hệ

Quãng năm 2010 ở nước ta là thời điểm mà thú sưu tầm đồng hồ Liên Xô lên đỉnh điểm, khi thế hệ 7x trở về trước bắt đầu bước vào tuổi trung niên và đều ít nhiều mang trong mình giấc mơ, ký ức về nước Nga - Liên Xô vĩ đại.
Sưu tầm đồng hồ Liên Xô: Hồi tưởng giấc mơ một thế hệ

Không giống như thế hệ 8x về sau, quãng 7x trở về trước là một thế hệ mà cả thế giới bên ngoài phần lớn được lấp đầy bởi văn hóa Liên Xô. Trẻ con được nghe kể những câu chuyện Hồng Quân vệ quốc, được đọc sách “Thép đã tôi như thế đấy”, “Sông Đông êm đềm”, “Chiến tranh và hòa bình”, được học hát “Kachiusa” và nghe lỏm “Chiều Mạc Tư Khoa” từ chiếc đầu đĩa than rè nhà hàng xóm. Đó là những thế hệ được bơm vào lồng ngực thứ “huyết tương” Liên Xô, họ nâng niu bàn là, xoong chảo, nồi áp suất, dây may-so, bình đá, quạt tai voi Liên Xô như những thứ đồ xa xỉ và mường tượng về quảng trường Đỏ, cung điện Mùa Đông như thể lâu đài trong cổ tích.

So với thực trạng khốn khó của đa số những gia đình Việt thuở ấy, khi cơm độn toàn khoai và sắn thì Liên Xô, nơi những cánh đồng lúa mì trải dài bất tận, những bà già phúc hậu choàng tấm khăn màu sắc ngồi trên ghế bành đan len với giỏ bánh mì tràn đầy thơm phức, những cậu bé diện áo sơ mi quần short tây, những cô bé mặc váy - yếm ngắn và khăn quàng đỏ… trở thành hình ảnh về một cuộc sống đáng mơ tưởng biết bao.

Rồi có quãng thời gian, người Việt đổ xô sang Liên Xô - sau này là Nga, từ du học sinh, thương nhân cho đến dân xuất khẩu lao động. Đầu những năm 80 là thời điểm du học sinh Việt sang Liên Xô học tập và tu nghiệp rất đông, nhóm này thường mang khối óc và tri thức về làm việc tại quê nhà.

Cũng có những nhóm thương nhân xuất hiện và làm giàu trong giai đoạn Liên Xô đặc biệt thiếu thốn hàng tiêu dùng, khi người dân bản địa thừa thãi bàn là và nồi áp suất nhưng khát khao từ những chiếc quần jean tàu cho đến đồng hồ Seiko Nhật. Những chuyến đổ buôn thời ấy lãi không kể siết. Và có cả những nhóm dân tứ xứ dạt sang theo hình thức xuất khẩu lao động, làm việc trong những nhà máy, công xưởng,được trả lương đầy đủ và gom góp từng đồng gửi về quê. Theo đại sứ quán, dòng kiều hối mỗi năm rất khả quan.

“Chơi đồng hồ cổ đâu phải lấy sự chính xác làm đầu, nếu mà thích chính xác cứ đem bán bất kỳ cái nào trong đám kia mà mua ngay cả cân đồng hồ quartz Tàu cho xong”.

Mỗi thứ đồ Liên Xô khi ấy về đến Việt Nam đều vô cùng quý giá, trong đó có cả những chiếc đồng hồ. Khoảng thập niên 60-80 của thế kỷ trước là thời điểm ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ của Liên Xô phát triển rực rỡ không kém đồng hồ Thụy Sỹ, với một số thương hiệu nổi tiếng được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới mà nổi tiếng nhất là Poljot, Wostok, Luch, Slava, Raketa…

Những thương hiệu đồng hồ như Poljot mạ vàng 20 micro cho đến nay vẫn được coi như một biểu tượng vàng son cho ngành công nghiệp cơ khí Liên Xô thời kỳ bùng nổ trước khi dần suy yếu cùng sự tan rã của Liên bang Xô Viết. Và vô hình chung, sưu tầm đồng hồ Liên Xô là cách mà một thế hệ người Việt gìn giữ cho mình những ký ức về nước Nga - Xô Viết đã lùi xa cùng nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa. Nhất là với những ai đã từng học tập, tu nghiệp và có những ngày tháng không thể nào quên tại xứ sở này.

Có nhiều lý do để người ta sưu tầm đồng hồ Nga. Một ông anh tuổi ngoài ngũ tuần kể chuyện năm 1986 đi học chuyên nghiệp được cụ nhà tặng ngay cái đồng hồ Poljot 17j mặt bóng, dây lụa đen rất oách, đến năm 1991 thì trót bán quách vì có cái đắt tiền hơn. Sau này cụ nhà mất, ông anh tìm mãi chiếc đồng hồ 17j cũ, lâu dần đam mê và sưu tầm đồng hồ Nga từ dạo ấy. May sao, cuối cùng cũng đã tìm được chiếc đồng hồ giống y mấy chục năm trước từ tít bên Âu.

Một ông anh khác, tuổi kém hơn chút ít thì kể chuyện thời sinh viên “tậu” được một chiếc Raketa mạ vàng ngay ở Bách Hóa Tổng Hợp, ấy thế mà mới dùng được 2 năm đồng hồ đã “chập cheng” vì vô tình dính nước biển. Sau này ra trường, ông anh cũng đi tìm y nguyên chiếc Raketa thời ấy mà không thấy, các dòng Raketa sau này có vẻ mỏng hơn và kiểu dáng khác xưa. Đến giờ, bộ sưu tập cũng có kha khá đồng hồ Liên Xô đủ các dòng.

Đồ sộ nhất phải kể đến bộ sưu tập hàng ngàn chiếc đồng hồ từ Liên Xô đến Nhật Bản, Thụy Sĩ - trong đó chủ yếu là Liên Xô - của một ông anh ở Thái Nguyên. Bộ sưu tập từ đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường chạm gỗ cho đến đồng hồ quả quýt nhỏ xíu bày đầu giường, kệ tủ.

“Nếu không phải là đồ kỷ niệm thì lau dầu 300-500k mỗi lần, khéo em bỏ đấy tặng luôn cho thợ”

Choáng váng trước bộ sưu tập “khủng” này, có ông tếu táo: “Em đố bác ngày nào cũng chỉnh giờ chuẩn cho cả đám đồng hồ kia. Nếu sau 2 tiếng mà tất cả chúng nó vẫn chỉ giờ y hệt nhau em biếu bác ngay 100 triệu”. Một ông khác “vả” lại ngay: “Chơi đồng hồ cổ đâu phải lấy sự chính xác làm đầu, nếu mà thích chính xác cứ đem bán bất kỳ cái nào trong đám kia mà mua ngay cả cân đồng hồ quartz Tàu cho xong”.

Tất nhiên, đồng hồ chẳng phải chỉ để trưng. Lâu ngày cũng phải lau dầu, bảo dưỡng. Thời buổi này mà kiếm được những ông thợ lau dầu cẩn thận theo kiểu bung hết từ tua-vit cho đến bánh răng, lau chải mượt mà chứ không phải kiểu chấm dầu là quý lắm. Mà thường đắt.

Có ông dù không sưu tầm đồng hồ Liên Xô nhưng có 1 chiếc Poljot đeo hàng ngày than thở: “Nếu không phải là đồ kỷ niệm thì lau dầu 300-500k mỗi lần, khéo em bỏ đấy tặng luôn cho thợ”. Nói thì nói thế, chứ vẫn nâng niu cái đồng hồ lắm. Nghe lão kể thời thanh niên, túi cắm bút Kim Tinh, tay đeo đồng hồ Poljot, tán gái rất kinh.

Thế nhưng, cái gì cũng chỉ có chỉ có thời. Khoảng chục năm gần đây, thú sưu tầm đồng hồ Liên Xô có vẻ im ắng. Phần vì thế hệ mang trong mình thứ “huyết tương”Liên Xô rạo rực ấy đã và đang già đi theo dòng thời gian chảy trôi và những biến thiên lịch sử. Thế hệ từ 8X trở ra có vẻ ưa những chiếc Tissot bóng lộn hơn nhiều.

Tất nhiên, những ai yêu mến thì vẫn lặng lẽ nâng niu những chiếc đồng hồ mấy chục tuổi đời với những câu chuyện chỉ thuộc về riêng nó. Như thể dù Liên Xô đã sụp đổ năm 1991, và dù dần dà người ta nhận ra những phần ảo tưởng trong giấc mơ Liên Xô ngày trước, thì thứ “huyết tương”Liên Xô cho đến giờ vẫn còn nguyên vẹn trong lồng ngực thế hệ này.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trao thưởng cho các hộ nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất giỏi tại Buôn Eana

20 năm kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana: Vẹn một chữ tình!

Chương trình kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất, mà còn tạo ra một mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ công nhân viên của công ty và người dân, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết và phát triển…

Vì sao quế được xem là một trong những gia vị tốt nhất thế giới?

Vì sao quế được xem là một trong những gia vị tốt nhất thế giới?

Không chỉ có hương vị độc đáo và tinh tế, quế còn mang lại hàng loạt lợi ích sức khỏe như hỗ trợ giảm viêm, hạ đường huyết và cải thiện sức khỏe tim mạch. Từ xưa đến nay, loại gia vị luôn được đánh giá là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các chế độ ăn uống lành mạnh…