Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Malaysia vào ngày 12/8, tăng trưởng GDP của quốc gia này trong quý 2/2022 đạt 8,9% so với cùng kỳ năm 2021, báo hiệu sự phục hồi kinh tế tích cực sau đại dịch Covid-19, dù nguy cơ suy thoái toàn cầu vẫn đang hiện hữu.
Kết quả tăng trưởng 8,9% cũng cao hơn nhiều so với con số ước tính 6,7% trước đó của 18 nhà kinh tế do Reuters khảo sát. Tốc độ này cũng vượt kết quả ước tính 5% từ một cuộc thăm dò tương tự của Bloomberg. Với kết quả tăng trưởng này, Malaysia là quốc gia ghi nhận có mức tăng trưởng GDP quý 2/2022 cao nhất trong khu vực ASEAN-6.
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia, ông Nor Shamsiah Yunus, khu vực dịch vụ và sản xuất là những lĩnh vực chính hoạt động tốt trong quý 2. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi sự phục hồi liên tục của thị trường lao động, nhu cầu trong nước mở rộng và khả năng xuất khẩu bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực điện và điện tử.
Còn ở Việt Nam, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý 2/2022 của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,02%, đóng góp 4,56% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,87%, đóng góp 46,85%; khu vực dịch vụ tăng 8,56%, đóng góp 48,59%.
Với kết quả này, tăng trưởng GDP quý 2/2022 của Việt Nam cao thứ 2 trong khu vực ASEAN-6, chỉ sau Malaysia.
Bên cạnh đó, đà phục hồi của nền kinh tế Philippines chậm lại trong quý 2 do lạm phát cao. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Philippines trong quý 2/2022 đạt 7,4% so với cùng kỳ năm 2021, cao thứ 3 trong khu vực ASEAN-6. Mức tăng trưởng này thấp hơn so với con số ước tính 8,2% trong khảo sát của Reuters.
Còn theo Báo cáo của Cơ quan Thống kê Indonesia ngày 5/8 chỉ ra rằng, trong quý 2/2022, tăng trưởng GDP của Indonesia đạt 5,44% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN-6. Con số này lớn hơn so với ước tính trung bình của 32 chuyên gia kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg. Cụ thể, khảo sát của Bloomberg dự đoán rằng GDP của Indoesia sẽ tăng 5,17% trong quý 2/2022.
Cơ quan Thống kê Indonesia nhận định, kết quả tăng trưởng quý 2/2022 tốt hơn dự kiến sẽ giúp quốc gia này lạc quan hơn đối với việc mở rộng kinh tế trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Còn Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này trong quý 2/2022 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với ước tính trước đó của Chính phủ nước này. Với kết quả tăng trưởng này, Singapore là quốc gia ghi nhận có mức tăng trưởng GDP quý 2/2022 cao thứ 5 trong khu vực ASEAN-6.
Theo MTI, tốc độ tăng trưởng yếu hơn một phần do lĩnh vực sản xuất điện tử chậm lại. Ngoài ra, triển vọng kinh tế không khả quan của Trung Quốc, một thị trường chủ chốt cho các sản phẩm dầu mỏ và hóa chất, cũng đã ảnh hưởng xấu đến triển vọng tăng trưởng của Singapore.
Trước đó, ngày 15/8, Bloomberg đưa tin, lạm phát tăng mạnh nhất trong 14 năm có lẽ đã ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế Thái Lan. Hồi đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan cho biết, GDP quý 2/2022 đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. So với quý trước, GDP của Thái Lan, dù tăng 0,7%, nhưng vẫn thấp hơn so với trung bình ước tính là 0,9%. Theo đó, Thái Lan là quốc gia ghi nhận tăng nhận tăng trưởng GDP quý 2/2022 thấp nhất trong khu vực ASEAN-6.
Giới chức Thái Lan cho rằng nền kinh tế có thể tăng trưởng vào khoảng 2,7% đến 3,2% trong cả năm 2022, chậm hơn so với tốc độ 3,3% mà Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha kỳ vọng. Theo Bloomberg, con số này cũng cho thấy kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng chậm nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022, đặc biệt là khi quốc gia này đang phải vật lộn với lạm phát trăng nhanh nhất kể từ năm 2008.