Tăng trưởng tín dụng trên 20%: Nguồn tiền ở đâu?

Đã có những dấu hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng không còn dư thừa về thanh khoản, trong bối cảnh áp lực cho vay theo định hướng của Chính phủ lớn nhưng dự báo nhiều ngân hàng chưa đủ tiền để bơm vốn
Tăng trưởng tín dụng trên 20%: Nguồn tiền ở đâu?

Một số ngân hàng bắt đầu “khát” tiền

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận xét, hoạt động nghiệp vụ thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian vừa qua ít sôi động, khi thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối dồi dào.

Báo cáo tình hình kinh tế và thị trường tài chính tháng 8/2017 và 8 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng tiếp tục tăng. Tính đến cuối tháng 8, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm.

Lý giải tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tăng, TS. Nghĩa cho biết: “Ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ, nhưng Chính phủ không giải ngân hết, nên quay lại gửi tiền vào ngân hàng. Do đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ huy động, nhưng thanh khoản vẫn rất tốt”.

Được biết, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong 8 tháng đầu năm ước đạt trên 137 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước được Quốc hội giao và bằng 44,3% kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo TS. Nghĩa, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ, nhỏ giọt là một phần nguyên nhân gây ra “điểm nghẽn” cho tăng trưởng kinh tế trong hơn nửa đầu năm 2017. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đề xuất giải pháp tập trung tháo gỡ vướng mắc ngay trong những tháng cuối năm.

“Những tháng cuối năm, dự báo hoạt động cung tiền, bơm hút tiền của NHNN sẽ sôi động hơn, bởi một lượng lớn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở ngân hàng được rút ra khi các dự án đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ”, TS. Nghĩa nói.

Điểm đáng chú ý trên thị trường mở (OMO) tuần qua, từ ngày 4/9 đến 8/9/2017, là NHNN bơm ròng 21.000 tỷ đồng.

Trước đó, bản tin trái phiếu tuần số 33 (từ 28/8 đến 1/9/2017) của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, thị trường mở không có hoạt động bơm mới, nhưng lượng đáo hạn qua kênh này đạt 506 tỷ đồng, như vậy NHNN đã hút ròng 506 tỷ đồng qua kênh này.

Mặc dù NHNN đã phát hành 17.999,8 tỷ đồng tín phiếu mới, song lượng vốn đáo hạn trong tuần lên tới 21.000 tỷ đồng. Theo đó, NHNN đã bơm ròng 3.000,2 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã bơm ròng 2.494,2 tỷ đồng vào thị trường.

“Điều này cho thấy, thanh khoản hệ thống có phần bớt dư thừa”, BVSC nhận xét.

Giám đốc tiền tệ một ngân hàng cho hay: “Một số ngân hàng nhỏ có thể có khó khăn về thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng tăng lên 0,6-0,7%/năm đối với kỳ hạn qua đêm trong tuần qua”.

Nhóm nghiên cứu của BIDV dự báo, thanh khoản thị trường trong tháng 9 sẽ giảm so với trước. Mặt bằng lãi suất dự kiến tiếp tục tăng nhẹ, kỳ hạn 1 tuần dao động chủ yếu trong khoảng 1 - 2%/năm.

Những giải pháp cung ứng vốn

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, đưa tăng trưởng tín dụng lên 21%, nhiều ngân hàng có thể sẽ gặp vấn đề về tỷ lệ thanh khoản trong hệ thống.

21% nên là trần chặn hơn là mục tiêu phải đạt, vì nội tại nền kinh tế khó có thể hấp thụ được, quan trọng hơn là ngân hàng không đủ tiền để bơm vốn ra. Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng có dấu hiệu giảm, do vốn không tăng nhưng tăng trưởng tín dụng năm nào cũng tăng.

“Hai bài toán đang đối nghịch nhau, muốn tăng trưởng, nền kinh tế phải có nguồn vốn trung và dài hạn, nhưng thu hút vốn trung và dài hạn quá đắt, thậm chí lỗ”, ông Hải nói.

Để kinh tế tăng trưởng theo mục tiêu của Chính phủ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng cung tiền sẽ có những tác động tích cực. Khi tăng cung tiền, lạm phát tăng cao và nhanh hơn, nhưng nếu tăng cung tiền ở mức hợp lý sẽ giúp ổn định và kiểm soát lạm phát. Trong 6 tháng đầu năm, cung tiền mới ở mức gần 5,69%, thấp hơn so với mục tiêu cả năm là 16 - 18%. Vì vậy, vẫn còn dư địa để tăng cung tiền nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2017, thông qua việc bơm tiền qua kênh OMO.

Để có nguồn tiền, vị giám đốc tiền tệ ngân hàng trên gợi ý, thứ nhất, NHNN điều chỉnh tỷ giá mua ngoại tệ và thông qua hình thức này bơm một lượng tiền tương đối vào thị trường. Ví dụ, NHNN mua vào 1 - 2 tỷ USD, tương ứng bơm ra khoảng 45.000 tỷ đồng, giúp tăng thanh khoản tiền đồng.

Thứ hai, huy động vàng, VND, USD từ dân cư nhiều hơn. Mặc dù huy động USD sẽ tạo áp lực lên lãi suất cho vay VND, nhưng mức độ thế nào sẽ tùy từng thời điểm.

Thứ ba, các ngân hàng có thể vay vốn nước ngoài, kỳ hạn dưới 1 năm, vay kỳ hạn ngắn sẽ không cần sự chấp thuận của NHNN, mà chỉ đăng ký. Nhóm ngân hàng lớn, đặc biệt ngân hàng quốc doanh thực hiện biện pháp này là chủ yếu, thông qua hình thức tài trợ thương mại.

Ông Hải cho biết, một số ngân hàng đang tính toán vay vốn nước ngoài để đối ứng với các khoản vay trong nước. Với công thức thanh khoản hiện nay thì vay ngắn hạn trong nước sẽ không giúp tăng tỷ lệ thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nếu vay từ nước ngoài thì sẽ tăng, mặc dù vay ngắn hạn. Đây là bài toán chung của các ngân hàng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, các ngân hàng trong nước thường vay ngân hàng nước ngoài với kỳ hạn ngắn 3, 6 tháng, tối đa 1 năm, chủ yếu là những ngân hàng lớn, có hạn mức tín dụng với ngân hàng nước ngoài. Một câu chuyện gần đây được TS. Hiếu đưa ra làm ví dụ minh họa, đó là ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho VPBank từ 71 triệu USD lên 90 triệu USD.

“Các ngân hàng lớn trong nước được các ngân hàng nước ngoài cho vay xét trên cơ sở tình hình sức khỏe và sắp đặt một hạn mức từ trước để khi cần có thể vay bù thanh khoản, tài trợ thương mại, xác nhận L/C...”, TS. Hiếu nói.

Theo Nhuệ Mẫn/ TNCK

>> Ngân hàng báo lãi ngàn tỷ từ... nợ xấu

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...