Theo Tập đoàn Xăng dầu, dù doanh thu tăng, nhưng giá vốn cũng bị đội lên 118%, tương ứng gần 71 nghìn tỷ đồng. Sau khi khấu trừ, Tập đoàn lãi gộp 2.8 nghìn tỷ đồng, tăng 38%.
Riêng doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ của Petrolimex tăng nhẹ 6%, lên gần 279 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính tăng đến 49%, lên 318 tỷ đồng. Các khoản chi phí khác cũng bật tăng, như chi phí bán hàng tăng 25%, lên 2.4 ngàn tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 32%, lên 302.5 tỷ đồng.
Tập đoàn Xăng dầu cũng ghi nhận khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết gần gấp 2 cùng kỳ, đạt 142.6 tỷ đồng và lợi nhuận khác giảm 64%) còn 10.4 tỷ đồng.
Kết quả, kết thúc quý III/2022, Tập đoàn Xăng dầu đạt lợi nhuận ròng gần 99 tỷ đồng, tăng 30%.
Theo giải trình từ Tập đoàn Xăng dầu, hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý III thực chất là lỗ, giảm hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do giá xăng dầu diễn biến giảm bất thường, trong khi khâu tạo nguồn, lưu thông tạo chi phí cao hơn định mức theo quy định trong giá cơ sở.
Tuy nhiên, lợi nhuận từ lĩnh vực khác của Tập đoàn tăng so cùng kỳ, tăng 400 tỷ đồng nhờ các công ty con thuộc lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay... hoạt động ổn định giai đoạn hậu COVID-19, kéo kết quả quý III/2022 tăng lên tương ứng.
Lũy kế 9 tháng, Tập đoàn Xăng dầu có doanh thu gần 225.7 nghìn tỷ đồng, tăng 88% và vượt mục tiêu doanh thu hợp nhất cả năm 21%.
Tuy nhiên, do phải gánh khoản lỗ từ quý II và khoản lãi giảm mạnh trong quý I, nên lãi trước thuế và lãi ròng lũy kế của Tập đoàn Xăng dầu chỉ đạt lần lượt 614 tỷ đồng và hơn 312 tỷ đồng, giảm tương ứng 79% và 86% so với cùng kỳ. Như vậy, tính đến hết tháng 9, Tập đoàn này mới thực hiện được hơn 20% kế hoạch năm 2022.
Thời điểm cuối tháng 09/2022, tổng tài sản của Petrolimex tăng 9.6% so với đầu năm, lên hơn 71 nghìn tỷ đồng. Tròng đó, tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng gần 64%, đạt 45.4 ngàn tỷ đồng (tăng 10%).
Đáng chú ý, Tập đoàn Xăng dầu đang nắm giữ gần 18 nghìn tỷ đồng tiền mặt, các khoản tương đương và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
Cùng với đó, nợ ngắn hạn tăng 23%, lên 43.4 nghìn tỷ đồng, chiếm 97% tổng nợ phải trả. Trong đó, phân nửa đến từ mục người mua trả tiền trước ngắn hạn là 23.6 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm.
Hiện, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có 56 công ty con. Trong đó nắm giữ 100% vốn tại 43 công ty xăng dầu trong nước, cùng 13 công ty con khác, 1 công ty liên doanh và 10 công ty liên kết.