Tasco dự kiến thu về tối thiểu 600 tỷ đồng sau khi thoái vốn tại 7 công ty con và liên kết

HĐQT CTCP Tasco (HNX: HUT) vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại 7 công ty con/công ty liên kết với giá trị thoái vốn tối thiểu 600 tỷ đồng.
Tasco dự kiến thu về tối thiểu 600 tỷ đồng sau khi thoái vốn tại 7 công ty con và liên kết

Theo đó, CTCP Tasco dự kiến thoái toàn bộ vốn góp tại 7 công ty gồm CTCP Tasco Thành công; Công ty TNHH An Nhiên Foods; Công ty TNHH MTV Tasco Nam Định; CTCP BĐS Thái An; CTCP Tasco Thăng Long; CTCP D-Tech; và Tổng công ty Thăng Long – CTCP.

Đáng chú ý, trong lần tái cơ cấu này, Tổng Công Ty Thăng Long là một trong những đơn vị sẽ nằm trong kế hoạch thoái vốn của Tasco với kỳ vọng thu hồi vốn và mang lại lợi nhuận để công ty tái đầu tư trong thời gian tới.

Tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường tổ chức ngày 28/10, ban lãnh đạo Tasco cho biết doanh nghiệp sẽ tập trung vào các ngành nghề và lĩnh vực chính có ưu thế, dồn nguồn lực để tạo sức bật trong thời gian tới như VETC, y tế, hạ tầng giao thông…

Đầu tháng 11, Tasco công bố Nghị quyết HĐQT tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH T’Hospital từ 158,6 tỷ đồng lên 358,6 tỷ đồng. Sau tăng vốn, doanh nghiệp duy trì tỷ lệ sở hữu 100% tại công ty con này. Tasco sẽ góp thêm 200 tỷ vào T’Hospital bằng tiền mặt, nguồn lấy từ đợt phát hành 80 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp cho nhà đầu tư.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng công bố thay đổi phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán riêng lẻ. Cụ thể, góp vốn vào Công ty cổ phần VETC giảm từ 500 tỷ xuống 494,6 tỷ đồng, thanh toán công nợ với nhà thầu tăng từ 100 tỷ lên 105,4 tỷ đồng, đầu tư vào T’Hospital 200 tỷ đồng thay vì đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2.

Về kết quả kinh doanh, quý 3/2021, Tasco ghi nhận doanh thu giảm 15,8% so với cùng kỳ về 161,99 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 72,84 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 80,51 tỷ đồng. Như vậy, đây là quý thứ 6 lỗ liên tiếp của Tasco. Bên cạnh lợi nhuận cốt lõi âm, công ty tiếp tục ghi nhận chi phí tài chính 65,2 tỷ đồng, tăng 2,1 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, HUT ghi nhận doanh thu tăng 16,9% so với cùng kỳ lên 625,84 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 146,42 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 89,75 tỷ đồng. Như vậy, với việc tiếp tục ghi nhận lỗ trong 9 tháng đầu năm, công ty đang ghi nhận lỗ lũy kế lên tới 53,4 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2021, HUT đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là âm 100 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2021, tổng tài sản của HUT giảm 3,1% so với đầu năm về 9.842,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản công ty chủ yếu tài sản cố định đạt 6.117,2 tỷ đồng, chiếm 62,1% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 1.071,6 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng tài sản.

Ngoài ra, tính tới cuối quý III/2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 196,93 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng giảm 3,6% về 5.312,4 tỷ đồng và chiếm 54% tổng nguồn vốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/12, cổ phiếu HUT tăng 1.600 đồng lên 18.300 đồng/cổ phiếu.

Xem thêm

Bất động sản “ăn mòn” lợi nhuận Tasco

Bất động sản “ăn mòn” lợi nhuận Tasco

Kinh doanh bất động sản không hiệu quả cùng với việc thất thu từ thu phí BOT đã khiến doanh thu và lợi nhuận của CTCP Tasco (mã: HUT) “rủ nhau” lao dốc, cổ phiếu duy trì ở mức giá "trà đá".

Có thể bạn quan tâm