Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và việc trả lời chất vấn bằng văn bản của người bị chất vấn vừa được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Theo đó, có hai nghị quyết về chất vấn mà các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm thực hiện và báo cáo kết quả việc thực hiện với Quốc hội là Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa 13 về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai có liên quan đến 20 bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước.
Báo cáo tổng hợp từ Tổng thư ký Quốc hội bám sát các yêu cầu của các nghị quyết nêu trên, mỗi yêu cầu được tổng hợp theo ba nhóm nội dung chính về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, định hướng thời gian tới.
Thách thức điều hành lãi suất
Với Ngân hàng Nhà nước, Nghị quyết 113 của Quốc hội yêu cầu chú trọng xây dựng, hoàn thiện và vận hành có hiệu quả thị trường tiền tệ.
Kết quả, cơ quan thực hiện đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ hợp lý theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Ngân hàng Nhà nước cũng được đánh giá đã điều hành chính sách lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ.
Tín dụng đến cuối năm 2016 tăng 18,25% so với cuối năm trước phù hợp với mục tiêu đề ra từ đầu năm và gắn với đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn.
Điều hành chính sách tỷ giá được nhìn nhận là linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách lãi suất và các công cụ chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối và công tác truyền thông, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao niềm tin vào đồng Việt Nam.
Những tháng đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm và điều tiết VND hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá nhưng không gây sức ép đến lãi suất thị trường 1, nhờ đó tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần, và từ giữa tháng 3/2017 có xu hướng giảm và nhìn chung tương đối ổn định so với đầu năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối của Nhà nước.
Phần tồn tại, han chế, báo cáo nêu rõ trong bối cảnh lạm phát trong những tháng đầu năm 2017 cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 và so với mục tiêu lạm phát bình quân 4% Quốc hội đề ra, dự kiến thời gian tới vẫn còn nhiều áp lực tăng từ giá thế giới phục hồi nhanh trở lại và việc chuyển điều chỉnh tăng giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý còn lại của năm 2016 sang năm 2017...
Với sức ép lạm phát nêu trên, đồng thời cầu vốn tín dụng và phát hành trái phiếu tiếp tục gia tăng, tỷ giá và thị trường ngoại hối chịu sức ép trước việc FED tăng lãi suất, cung-cầu ngoại tệ kém thuận lợi thì việc ổn định được mặt bằng lãi suất là khó khăn, thách thức.
Hạn chế tiếp theo được đề cập là thời gian qua, vẫn còn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực tài chính yếu kém, báo cáo tài chính chưa rõ ràng, minh bạch.
Bên cạnh đó, việc triển khai một số giải pháp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực còn hạn chế do vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Nợ xấu vẫn đe doạ
Tại nghị quyết, Quốc hội cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách đồng bộ để tiếp tục giảm và khống chế nợ xấu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Phần kết quả, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, bới việc tích cực hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu, cùng với việc toàn ngành ngân hàng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu khác, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%.
Tổng số nợ xấu xử lý được trong năm 2016 đạt 118,5 nghìn tỷ đồng (tháng 1/2017 đạt 5,13 nghìn tỷ đồng), bằng 63,4% tổng số nợ xấu được xử lý trong năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được duy trì ở mức an toàn theo ngưỡng quy định và mục tiêu đặt ra, các khoản nợ tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 2,46% (giảm so với mức 2,55% cuối năm 2015), đến cuối tháng 2/2017 là 2,56%.
Phần tồn tại, hạn chế, báo cáo nêu rõ, với những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, bất cập về pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm chậm được tháo gỡ, sản xuất kinh doanh và thị trường bất động sản phục hồi chậm, năng lực xử lý các khoản nợ xấu đã mua của VAMC còn nhiều hạn chế, nợ xấu vẫn là mối đe dọa, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Với yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm soát, xử lý sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, báo cáo nêu, trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 1.250 cuộc thanh tra, kiểm tra và trong quý 1 năm 2017 đã thực hiện 209 cuộc thanh tra, kiểm tra.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 121 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, cá nhân trong 2016, và quý 1/2017 đã ban hành 17 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Vneconomy