Cụ thể, trong 63 tỉnh, thành phố có 8 địa phương có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên là Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và TP.HCM.
Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 1, xuất khẩu của Việt Nam đạt 23,61 tỷ USD, giảm 25,9%, tương ứng giảm 8,25 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Bắc Ninh là địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Tổng cục Hải quan thông tin, tháng đầu năm tỉnh Bắc Ninh vượt TP.HCM trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh đạt 3,361 tỷ USD, cao hơn gần 700 triệu USD so với TP.HCM.
Theo tìm hiểu của Thuonggiaonline, những năm gần đây tỉnh Bắc Ninh có sự bám đuổi quyết liệt so với TP.HCM về kim ngạch xuất khẩu. Như năm 2022, hai địa phương nêu trên chia nhau hai vị trí dẫn đấu với kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM đạt 47,545 tỷ USD, trong khi Bắc Ninh đạt gần 45,1 tỷ USD.
Trước đó, tại báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 1/2023, Bộ Công Thương cho biết, do là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và tháng 1/2022.
Vì thế, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa so với tháng trước (tức tháng 12/2022) và so với cùng kỳ năm trước đều giảm. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khu vực kinh tế trong nước đạt 6,44 tỷ USD, giảm 18%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,64 tỷ USD, giảm 12%.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu tháng 1/2023, hầu hết xuất khẩu sang các thị trường chủ lực của ta đều giảm mạnh. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD, giảm 28,5%. Tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,45 tỷ USD, tăng 14%; EU ước đạt 2,9 tỷ USD, giảm 33,8%; Nhật Bản ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11,4%; Hàn Quốc ước đạt 1,65 tỷ USD, giảm 18,4%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo không còn là động lực tăng trưởng của xuất khẩu khi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm nhiều nhất so với nhóm hàng nông lâm thủy sản và nhiên liệu khoáng sản.