Công nghệ phát triển như vũ bão đã tác động mạnh đến thói quen chi tiêu của người Việt
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mức độ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam vẫn đang phổ biến, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán là khá cao so với nhiều nước trên thế giới, dù cơ sở hạ tầng cho thanh toán trực tuyến đã có những bước phát triển nhất định. Vì sao lại như vậy?
Thực tế cho thấy, thói quen sử dụng tiền mặt dường như đã ăn sâu vào hành vi của người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều người thường ngại tiếp cận với một loại hình mới mẻ, đặc biệt là công nghệ, dẫn tới ngại thay đổi thói quen truyền thống của mình - thanh toán bằng tiền mặt. Thứ nữa, đại đa số người tiêu dùng còn có tâm lý “đồng tiền đi liền khúc ruột”, tiền cầm trong tay là an toàn nhất. Do vậy, họ vẫn ưu tiên và lựa chọn phương thức giữ tiền mặt hoặc gửi ngân hàng để đảm bảo an toàn hơn là việc giao dịch qua các kênh thanh toán hiện đại.
Tuy nhiên, thói quen này theo quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi bởi lẽ nếu không bắt kịp thời đại công nghệ số thì chắc chắn chúng ta sẽ tụt hậu so với thời cuộc.
"Thanh toán điện tử được khuyến khích bởi những hoạt động thanh toán này sẽ được ghi lại trên hệ thống và từ đó nhà chức trách có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát, cũng như bảo vệ cho người dùng. Người dân sẽ không phải đến ngân hàng để rút tiền, giữ tiền và có thể thanh toán ở bất cứ đâu chỉ với một chiếc điện thoại hoặc máy tính có kết nối internet. Nhờ vậy, giao dịch trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại.
Với những tiện ích mà thanh toán online mang lại, Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy phát triển hình thức này khi đề ra mục tiêu đến năm cuối 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đi theo mục tiêu đó, hàng loạt giải pháp được đặt ra như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt tại các văn bản luật hiện hành; ban hành các văn bản pháp lý để quản lý, vận hành, hạn chế rủi ro, giám sát có hiệu quả đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán mới…
Từ yêu cầu cấp thiết này, hầu hết các ngân hàng thương mại hiện đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (core banking), đồng thời phát triển hệ thống thanh toán tích hợp đa kênh trên nền tảng điện tử như: Chuyển khoản, thanh toán hóa đơn dịch vụ điện, nước, internet, điện thoại, truyền hình cáp, mua vé máy bay, mua hàng trực tuyến, đóng phí bảo hiểm… đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Đến nay, đã có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 39 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Không dừng ở đó, một số ngân hàng còn không ngừng nâng cấp và nới rộng các tiện ích cùng việc triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích khách hàng có thêm nhiều trải nghiệm trên kênh ngân hàng điện tử. Ví dụ, gói tiện ích PV Online Banking của PVcomBank, ngoài việc miễn phí hầu hết các dịch vụ như chuyển khoản liên ngân hàng nhận ngay 24/7, thanh toán hóa đơn (Billing), nạp tiền điện thoại (Topup), tiết kiệm online (eSaving)…, nhà băng này còn liên tục triển khai nhiều khuyến mại cho khách hàng với giá trị giải thưởng rất cao.
Có thể nói, sự nhập cuộc vô cùng mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng cùng sự phát triển không ngừng của công nghệ tạo điều kiện cho người tiêu dùng được trải nghiệm nhiều hơn các tiện ích tài chính hiện đại với độ an toàn, bảo mật cao, từ đó dần thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán online. Đây cũng chính là một trong những nhân tố giúp cho mục tiêu của Chính phủ có thể đạt được vào năm 2020.