Trong đợt review quý 2/2024, rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Small Cap Index đã thêm mới 27 mã và loại ra 6 mã. Trong 27 mã được thêm mới có 10 cổ phiếu Việt Nam gồm INN, DSN, NDN, SGN, ITA, TVC, TEG, NSC, IVS, TCI.
Ở chiều ngược lại, trong 6 mã bị loại ra cũng có 3 đại diện từ Việt Nam là EVG, TCM và VNE.
Như vậy, sau đợt review tháng 5, rổ danh mục MSCI Frontier Markets Small Cap Index có tổng cộng 370 mã. Tại ngày 30/4/2024, cổ phiếu Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ chỉ số với tỷ lệ 31,48%. Xếp thứ 2 là Bangladesh với 21,51%. Tuy nhiên, top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất không có đại diện nào từ Việt Nam.
Trong khi đó, với rổ chỉ số quan trọng nhất của thị trường cận biên MSCI Frontier Markets Index thì trong kỳ review này thêm mới 9 cổ phiếu, đồng thời loại ra 5 cổ phiếu. Trong đó, Việt Nam không có thêm đại diện nào, nhưng bị loại 1 mã là NLG. Sau đợt review, danh mục MSCI Frontier Market Index có tổng cộng là 213 mã.
Tính đến ngày 29/3/2024, cổ phiếu Việt vẫn đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ MSCI Frontier Market Index, với tỷ lệ 28,57%. Theo sau là Romania và Morocco với tỷ lệ lần lượt là 12,21% và gần 10%. Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất thời điểm này có 3 mã cổ phiếu Việt Nam, gồm HPG (2,91%) cùng 2 cổ phiếu "họ" Vingroup VIC (1,85%) và VHM (2,21%).
Hiện có rất nhiều quỹ lớn, quy mô hàng trăm triệu USD đang phân bổ vào các thị trường cận biên (bao gồm Việt Nam) dựa trên rổ MSCI Frontier Markets Index. Các thay đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 3/6/2024. Lần review tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 12/8/2024 theo giờ CEST (múi giờ UTC +1, giờ châu Âu), tức rạng sáng ngày 13/8/2024 theo giờ Việt Nam.
Quay lại với rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Small Cap Index với sự “chào đón” 2 cổ phiếu chứng khoán là IVS, TCI cho thấy câu chuyện nâng hạng thị trường mang lại nhiều kỳ vọng, ở góc độ dòng tiền, thì cổ phiếu chứng khoán được cho là hưởng lợi nhiều khi thanh khoản tăng mạnh và có nhiều sản phẩm mới được triển khai. Điều này đã tác động tích cực tới các mảng hoạt động của công ty chứng khoán.
Mới đây, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đã công bố báo cáo đánh giá một số nội dung liên quan đến tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo báo cáo, kể từ thời điểm đánh giá tháng 3/2023 có phần kém tích cực của FTSE Russell, cơ quan quản lý đặc biệt là Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các thành viên thị trường đã có những hành động và giải pháp quyết liệt để tháo gỡ các nút thắt còn thiếu trong khuyến nghị của FTSE.
Kết quả trong 2 kỳ đánh giá gần nhất (tháng 9/2023 và tháng 3/2024) thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhận được những đánh giá tích cực hơn, đồng thời FTSE đã ghi nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý, cụ thể là quyết tâm của người đứng đầu Chính Phủ trong việc giải quyết các nút thắt còn vướng mắc.
Tuy nhiên, để sớm hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025 theo xếp hạng của FTSE Russell rất cần sự chung tay và nỗ lực từ các thành viên thị trường. Đặc biệt sự tham gia, tìm kiếm giải pháp từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với các vấn đề về: tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại), vai trò của ngân hàng trong hệ thống thanh toán đối tác bù trừ trung tâm theo đó xem xét cho phép ngân hàng lưu ký đồng thời trở thành thành viên bù trừ, xây dựng cơ chế để xem xét áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
Ngoài những vấn đề trên, thì quá trình triển khai, vận hành sớm hệ thống KRX cũng là một yếu tố cần hết sức quan trọng, khi mới đây nhất việc “go-live” dự kiến vào tháng 5/2024 đã chưa thể hiện thực hóa được như kế hoạch. “Đây là thách thức lớn cho việc kỳ vọng vào sự chấp thuận nâng hạng của FTSE Russell đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2024”, báo cáo của BSC Research nhận định.