Nâng hạng thị trường chứng khoán thành công, VN-Index có thể chạm mốc 1.750 điểm

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS, chu kỳ lớn đang diễn ra trong năm nay và năm sau, dự báo VN-Index có thể đạt cao nhất 1.650 – 1.750 điểm khi thị trường được nâng hạng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
chung-khoan-e-7002.jpeg

Quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi tiếp tục được cụ thể hóa bằng chuyển động thiết thực của quy định pháp lý. Theo các chuyên gia trong ngành nhận định, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thành công, rất có thể tạo nên một con sóng lớn và VN-Index khả năng cao sẽ vươn lên mốc 1.750 điểm.

GỠ “NÚT THẮT” ĐỂ NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG

Ngày 20/3/2024, cơ quan quản lý đã đăng tải thông tin lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (Thông tư số 120/2020/TT-BTC; Thông tư số 119/2020/TT-BTC; Thông tư số 121/2020/TT-BTC; và Thông tư số 96/2020/TT-BTC).

Cùng với nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung khác, dự thảo thông tư dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung quy định cho phép giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Đồng thời, công ty chứng khoán được nhận lệnh giao dịch mua chứng khoán của khách hàng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt.

Dự thảo cũng quy định, công ty chứng khoán thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký kết giữa công ty chứng khoán và khách hàng.

Cũng theo đề xuất của cơ quan quản lý, đối tượng được cung cấp dịch vụ là những công ty chứng khoán có tình hình tài chính tốt, đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, đủ hạn mức để đáp ứng việc thanh toán cho giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ này trong trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tạm thời mất khả năng thanh toán.

Trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định: “Hiện tại cơ quan quản lý đang rất nỗ lực để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý để tháo gỡ các nút thắt quan trọng, đáp ứng các tiêu chí của tổ chức xếp hạng. Theo quy định, dự thảo thông tư sẽ được lấy ý kiến trong vòng 60 ngày, sau đó sẽ được hoàn thiện và trình Bộ Tài chính xem xét, ban hành. Và sau khi Thông tư mới được ban hành, thì các công việc tiếp theo mới được triển khai”.

Trước đó, theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc đề xuất sửa đổi các quy định pháp lý lần này là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về việc tích cực thực hiện giải pháp liên quan đến phát triển thị trường chứng khoán, trong đó có nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, hướng tới mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Việc cơ quan quản lý đề xuất các quy định mới trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư đang được nhiều nhiều chuyên gia đánh giá rất tích cực, góp phần gỡ các “nút thắt” quan trọng, hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng.

9 CỔ PHIẾU ĐÓN SÓNG NÂNG HẠNG

Cũng liên quan đến câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán, mới đây, VPBanks đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Chọn danh mục - đón sóng lớn". Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS đánh giá, đây có thể là yếu tố giúp thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào con sóng lớn thứ tư. Ba sóng lớn trước đó gồm sóng WTO (năm 2007 – 2008), sóng thoái vốn (năm 2016 - 2017), sóng tiền rẻ do dịch Covid-19 (năm 2021 - 2022).

vpb1-9173.jpeg
Nguồn: VPBankS

Tham chiếu ở nhiều thị trường khác, trước khi được nâng hạng trong khoảng hai năm, các chỉ số ở các thị trường này thường tăng khoảng 40 – 50%. Do đó, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự được nâng hạng, VN-Index trong khoảng hai năm tới đây sẽ có thể vượt qua vùng đỉnh lịch sử 2021 – 2022 và đi lên một vùng cao mới.

Ông Sơn nhận định: “Chu kỳ lớn đang diễn ra trong năm nay và năm sau, dự báo VN-Index có thể đạt cao nhất 1.650 – 1.750 điểm khi thị trường được nâng hạng".

Khi được nâng hạng, lượng vốn thụ động vào thị trường có thể đạt hơn 800 triệu USD (với FTSE Russell) và hơn 1 tỷ USD (với MSCI), nhưng lượng vốn chủ động có thể sẽ gấp 10 lần do xu hướng đầu cơ đã diễn ra ở rất nhiều thị trường khác được nâng hạng trước đó.

Với giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư cần lưu ý về việc xuất hiện bẫy giảm giá trong chu kỳ thị trường đi lên. Các nhịp điều chỉnh sâu là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục và mua vào cho chu kỳ tăng trưởng nóng hơn khi có sự tham gia của công chúng trong giai đoạn đầu cơ xuất hiện.

Nguồn: VPBankS

Nguồn: VPBankS

Xét về yếu tố dòng tiền, thanh khoản thị trường đang tăng rất cao trở lại, nếu như đầu năm 2023 ở quanh 13.000 – 14.000 tỷ đồng, giá trị giao dịch đã tăng mạnh về cuối năm và đạt trung bình gần 18.000 tỷ đồng.

Bước sang năm 2024, thị trường liên tiếp xuất hiện những phiên giao dịch đạt trên 1 tỷ USD, thậm chí lên gần 2 tỷ USD. Điều đó chứng minh rằng, thị trường đang ở giai đoạn mới về thanh khoản, niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại, những tuần gần đây tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Song song với đó, tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán tăng lên tốt.

Về định giá thị trường, sau khi lên mức P/E 17,x lần tại vùng đỉnh tháng 9/2023, VN-Index đã điều chỉnh trở lại và định giá đã về mức hấp dẫn hơn khi đang giao dịch ở mức 15,4x lần thấp hơn mức trung bình 10 năm ở 16,6 lần. Với dự báo lợi nhuận 2024 sẽ tiếp tục phục hồi, vị chuyên gia này cho rằng mức định giá hợp lý vẫn là cơ sở để thu hút dòng tiền tham gia trở lại.

Đại diện VPBankS đưa ra dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt mốc cao nhất trong năm nay ở mức 1.326 -1.350 điểm, tăng 17% so với năm trước. Trong đó, vùng dao động chính của chỉ số xoay quanh mốc 1.200 điểm (+/- 50 điểm). Mức thấp trong năm có thể ở mốc hỗ trợ 1.100 điểm.

Nguồn: VPBankS

Nguồn: VPBankS

Gợi ý về danh mục đầu tư, ông Trần Hoàng Sơn điểm danh 9 cổ phiếu được hưởng lợi từ việc nâng hạng mà nhà đầu tư trung và dài hạn có thể theo dõi gồm: VCB, VHM, HPG, VIC, VNM, MSN, VRE, VJC và SSI. Đây là những cổ phiếu vốn hóa lớn và có khả năng bứt tốc nhanh khi dòng vốn chủ động và thụ động cùng tham gia mua trên thị trường.

Đối với nhà đầu tư ưu thích ngắn hạn, ông Sơn khuyến nghị những nhóm cổ phiếu liên quan đến các câu chuyện bán lẻ nhờ thu nhập bình quân đầu người tăng, kinh tế hồi phục; nhóm bất động sản khu công nghiệp nhờ làn sóng FDI mạnh mẽ ở Việt Nam những năm gần đây; hay nhóm ngành thép bởi nhu cầu thép thế giới hồi phục và nhóm chứng khoán hưởng lợi nhờ câu chuyện thị trường phát triển, nâng hạng và phát hành tăng vốn.

Nguồn: VPBankS

Nguồn: VPBankS

Một nhóm ngành tâm điểm khác là ngân hàng với các luận điểm đầu tư như NIM 2024 kỳ vọng phục hồi ở hầu hết các ngân hàng lớn, thu nhập ngoài lãi được kỳ vọng sẽ phục hồi từ nền thấp của năm 2023, chất lượng tài sản được cải thiện. Về mặt định giá, cả P/E và P/B ngành đều chưa chạm tới mức trung bình từ 2013 nên ngành vẫn đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn.

Có thể bạn quan tâm