BSC: Vẫn còn nhiều thách thức khi muốn nâng hạng thị trường chứng khoán Việt

Những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc chuẩn hóa lại hệ thống cũng như giải quyết những nút thắt có thể khiến thị trường chứng khoán Việt Nam được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 6/2025…

Chứng khoán Việt Nam bứt tốc trong tiến trình nâng hạng
Chứng khoán Việt Nam bứt tốc trong tiến trình nâng hạng

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC Research) vừa công bố báo cáo đánh giá một số nội dung liên quan đến tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo báo cáo, kể từ thời điểm đánh giá tháng 3/2023 có phần kém tích cực của FTSE Russell, cơ quan quản lý đặc biệt là Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các thành viên thị trường đã có những hành động và giải pháp quyết liệt để tháo gỡ các nút thắt còn thiếu trong khuyến nghị của FTSE.

Kết quả trong 2 kỳ đánh giá gần nhất (tháng 9/2023 và tháng 3/2024) thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhận được những đánh giá tích cực hơn, đồng thời FTSE đã ghi nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý, cụ thể là quyết tâm của người đứng đầu Chính Phủ trong việc giải quyết các nút thắt còn vướng mắc.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán 2024: theo đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước phải có các biện pháp, hành động khẩn trương nhằm tháo gỡ các nút thắt để sớm nâng hạng thị trường.

Mới đây nhất, Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang xin ý kiến các thành viên thị trường, nhà đầu tư nước ngoài trong việc sửa đổi một số các thông tư quan trọng. BSC Research đánh giá nếu dự thảo được thông qua sẽ giải quyết phần lớn các vấn đề còn vướng mắc trong việc nâng hạng thị trường, bao gồm:

Đối với vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding): Về cơ bản đã gia tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho các công ty chứng khoán trong việc đưa ra quyết định giao dịch ký quỹ không đủ 100% của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong ngắn hạn, nếu dự thảo này được thông qua và đi vào triển khai thí điểm nhận được phản hồi tốt từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp thị trường chứng khoán ghi nhận được đánh giá tích cực từ FTSE, sớm nhất là trong kỳ đánh giá vào tháng 9/2024.

Về lâu dài, cần có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước khi cho phép ngân hàng lưu ký đồng thời trở thành thành viên bù trừ bên cạnh hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm được chính thức triển khai thực hiện sẽ là giải pháp toàn diện cho vấn đề này.

Nếu được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, vai trò của ngân hàng sẽ được gia tăng, san sẻ với các công ty chứng khoán trong việc phối hợp, trao đổi thông tin để xử lý triệt để vấn đề giao dịch không ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa trong tình huống khách hàng không có đủ tiền thanh toán khi đến thời điểm cần thực hiện nghĩa vụ.

Đối với vấn đề công bố thông tin bằng Tiếng Anh: Đã đưa ra lộ trình cụ thể đối với các thành viên trên thị trường, đặc biệt là công ty đại chúng nhằm đảm bảo tính công bằng trong việc tiếp cận thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một nỗ lực lớn của cơ quan quản lý và cần sự vào cuộc quyết liệt của các công ty đại chúng trong việc cụ thể hóa lộ trình này.

Theo lộ trình đến năm 2028, các công ty đại chúng sẽ bắt buộc công bố thông tin bằng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh). Nếu triển khai thành công, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ cải thiện đáng kể trong các kỳ đánh giá định kỳ của FTSE cũng như MSCI khi nhà đầu tư nước ngoài cho phản hồi tích cực về nội dung này. Trong tương lai gần vào tháng 6/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi quy chế công bố thông tin là bước đi cần thiết tiếp theo để tạo điều kiện thuận lợi, chuẩn hóa quy trình cho các tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch thực hiện báo cáo, công bố thông tin trên hệ thống IDS cũng như hệ thống của các Sở Giao dịch Chứng khoán, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dữ liệu một cách chính thống, bài bản có hệ thống và hiệu quả.

anh-chup-man-hinh-2024-05-15-luc-131731-8348-4685.png
Nguồn: BSC Research

Nhìn chung, BSC Research đánh giá nỗ lực của cơ quan quản lý đến nay là rất tích cực trong việc chủ động tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt trong phạm vi thẩm quyền của Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Tuy nhiên, để sớm hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025 theo xếp hạng của FTSE Russell rất cần sự chung tay và nỗ lực từ các thành viên thị trường. Đặc biệt sự tham gia, tìm kiếm giải pháp từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với các vấn đề về: tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại), vai trò của ngân hàng trong hệ thống thanh toán đối tác bù trừ trung tâm theo đó xem xét cho phép ngân hàng lưu ký đồng thời trở thành thành viên bù trừ, xây dựng cơ chế để xem xét áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Ngoài những vẫn đề trên, thì quá trình triển khai, vận hành sớm hệ thống KRX cũng là một yếu tố cần hết sức quan trọng, khi mới đây nhất việc “go-live” dự kiến vào tháng 5/2024 đã chưa thể hiện thực hóa được như kế hoạch. “Đây là thách thức lớn cho việc kỳ vọng vào sự chấp thuận nâng hạng của FTSE Russell đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2024”, báo cáo của BSC Research nhận định.

Xem thêm

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán: 2024 là năm tạo dựng cơ sở, hướng tới nâng hạng thị trường

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế…

Có thể bạn quan tâm