Mới đây, UBND Quận 5 tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp cho “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh” tại Trung tâm Văn hóa Quận.
Đây là chương trình tái hiện một phần lễ hội Nguyên tiêu truyền thống, mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất Chợ Lớn được cộng đồng người Hoa ở Quận 5 duy trì và phát triển hơn 30 năm qua.
Trong khuôn khổ chương trình đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các nghệ sĩ đã biểu diễn tiết mục nghệ thuật "Nguyên tiêu thịnh hội", chiếu phim tư liệu về lễ hội Nguyên tiêu Quận 5 qua 30 năm (1990-2020), chương trình văn hóa nghệ thuật đặc trưng của các cộng đồng người Hoa, triển lãm xe hoa đăng, tranh thủy mặc.
Cùng với đó là các hoạt động mang tính nghi lễ cùng những hoạt động văn hóa nghệ thuật: Biểu diễn ca kịch tuồng cổ, múa lân sư rồng cùng nhiều loại hình ca nhạc tạp kỹ như: đi cà kheo, du thuyền trên cạn, thi câu đố hoa đăng và một số hoạt động như: Lễ tế Thánh của nhóm người Triều Châu, hội Long đăng của nhóm Phước Kiến...
Cũng trong dịp này, Trung tâm Văn hóa Quận 5 và các Hội quán trên địa bàn tổ chức không gian triển lãm sách giới thiệu 6.000 bản ấn phẩm có tên “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa Quận 5, TP. Hồ Chí Minh”. Sách gồm 15 bài viết về: Lễ hội của người Hoa ở Nam bộ; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá lễ hội Nguyên tiêu tại Quận 5, Nghệ thuật biểu diễn lân - sư - rồng; Ca kịch truyền thống; Nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc; Nghệ thuật làm đầu lân, nghề làm áo bào, lễ đấu thỉnh đèn lồng….
Triển lãm giới thiệu lịch sử của Tết Nguyên tiêu bằng cả tiếng Việt và Hoa; đồng thời, trưng bày cố định để người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu. Cùng với phần lễ, tại Trung tâm văn hóa Quận 5 cũng có các hoạt động cho cộng đồng như tặng chữ thư pháp, chơi đố đèn và vớt cá vàng…
Lễ hội Nguyên tiêu mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất Chợ Lớn đã được cộng đồng người Hoa ở Quận 5 duy trì và phát triển hơn 30 năm qua, hoạt động này thường diễn ra trong 3-4 ngày (khoảng từ ngày 12 hoặc 13 đến rằm tháng giêng âm lịch hằng năm), với phần lễ tại các chùa, miếu, hội quán. Đối với người Hoa, việc đi lễ chùa để “cầu phúc”, “mượn lộc”… đã trở thành phong tục không thể thiếu trong ngày rằm tháng Giêng.