Doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục "căng não" xử lý hồ sơ, bồi thường tổn thất sau bão Yagi

Số tiền yêu cầu bảo hiểm bồi thường thiệt hại người và tài sản do bão Yagi gây ra hiện ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng và đang tiếp tục tăng…

Doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục "căng não" xử lý hồ sơ, bồi thường tổn thất sau bão Yagi

Bão số 3 ( bão Yagi) và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Đây là cơn bão có tốc độ tăng cấp bất thường và có cường độ mạnh nhất 30 năm.

Trước sức tàn phá của siêu bão này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động, nhanh chóng xác định thiệt hại, bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho bên mua, người thụ hưởng bị thiệt hại.

Theo thống kê sơ bộ Bảo hiểm AAA, tính đến ngày 11/9/2024, đã ghi nhận hơn 410 vụ tổn thất về tài sản, hàng hải, xe cơ giới; nghiệp vụ bảo hiểm con người hiện chưa ghi nhận trường hợp mất tích hoặc tử vong, ước tính tổng số tiền bồi thường lên đến hơn 90 tỷ đồng.

Trước đó, loạt công ty bảo hiểm cũng đã công bố ước lượng mức bồi thường thiệt hại những trường hợp ảnh hưởng sau bão Yagi.

Đối với các tổn thất trong phạm vi bảo hiểm sau cơn bão số 3, theo thống kê sơ bộ tính đến ngày 12/9/2024, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã ghi nhận hơn 200 vụ tổn thất về tài sản kỹ thuật, hàng hải; 500 vụ tổn thất về xe cơ giới, ước tính số tiền bồi thường trên 200 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, PTI đã thực hiện giám định xong 85% số yêu cầu bồi thường về xe cơ giới và chờ đưa vào sửa chữa.

Mới đây, PTI vừa tạm ứng bồi thường bảo hiểm tai nạn lái phụ xe và người ngồi trên xe với gia đình lái xe 19H04212 trong vụ tổn thất sập cầu Phong Châu - Phú Thọ ngày 9/9.

Được biết, xe 19H04212 tham gia bảo hiểm tai nạn cho lái phụ xe và người ngồi trên xe với mức trách nhiệm 20 triệu đồng/người.

Sáng 9/9, cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C bắc qua sông Hồng nối giữa huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ bị sập. Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ cho biết, bão số 3 (Yagi) gây mưa lũ, khiến nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết làm thay đổi địa hình lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu Phong Châu (nhịp 6 và 7).

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, trong vụ sập cầu Phong Châu có 1 xe tải, 1 xe con, 5 xe máy, 1 xe đạp điện bị cuốn trôi...

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Văn phòng đại diện cứu hộ và giám định PTI khu vực miền Bắc - Phòng Khu vực phía Bắc đã liên lạc trực tiếp làm việc với khách hàng mua bảo hiểm xe tải này để hướng dẫn phối hợp thu thập thông tin, nhanh chóng giám định tổn thất và lên kế hoạch bồi thường cho khách hàng.

Ngày 13/9, Đại diện PTI đã phối hợp với Công ty cổ phần Bê tông Tự Lập trao tạm ứng bồi thường cho gia đình lái xe.

Với thị phần đứng đầu trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ, Tổng công ty Bảo hiểm PVI cập nhật đến chiều 11/9, ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng. Con số này vẫn chưa bao gồm các yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe cơ giới và con người.

"Đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và PVI nói riêng", doanh nghiệp này cho biết.

Một "ông lớn" khác trên thị trường là Bảo hiểm Bảo Việt cũng cho hay đến sáng 12/9, doanh nghiệp này tiếp nhận 692 vụ tổn thất với tổng bồi thường ước tính 950 tỷ đồng. Các yêu cầu bồi thường tập trung vào bảo hiểm con người, tài sản như bảo hiểm xe ôtô, nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa.

Đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng nhận định thiệt hại do bão Yagi gây ra là tổn thất rất lớn do thiên tai của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và doanh nghiệp này nói riêng. Thống kê sơ bộ đến ngày 11/9, MIC ghi nhận khoảng 900 vụ tổn thất bao gồm tài sản, xe cơ giới và hàng hải, ước tính tổng bồi thường 230 tỷ đồng.

Tại Tổng Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) tính đến 10/9, doanh nghiệp này có gần 500 vụ tổn thất, trong đó có 16 vụ về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ước tính chi trả bồi thường bảo hiểm về con người và tài sản do bão số 3 và lũ lụt gây ra là khoảng 7.000 tỷ đồng. Đó là con số được báo cáo từ các doanh nghiệp bảo hiểm.

Cụ thể, tính đến ngày 12/9, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng cho biết, đây mới là những con số sơ bộ ban đầu. Trong bối cảnh thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra dự báo còn tăng, con số về số vụ tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện.

Xem thêm

Siêu bão Yagi “nhấn chìm” cổ phiếu bảo hiểm

Siêu bão Yagi “nhấn chìm” cổ phiếu bảo hiểm

Diễn biến tiêu cực của nhóm ngành bảo hiểm diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp liên tiếp công bố các số liệu về thiệt hại và bồi thường cho khách hàng sau tổn thất từ cơn bão số 3 – bão Yagi...

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương bồi thường tổn thất do bão số 3

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương bồi thường tổn thất do bão số 3

Hoàn lưu bão số 3 đang gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Con số thương vong của khách hàng các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dự kiến sẽ còn tăng. Đây là tổn thất không thể bù đắp của khách hàng, đồng thời cũng là điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm không muốn...

Có thể bạn quan tâm

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...

Lần thứ 8 BIDV được vinh danh "Thương hiệu quốc gia"

BIDV được vinh danh "Thương hiệu quốc gia"

Năm 2024, BIDV tiếp tục được vinh danh "Thương hiệu quốc gia" với những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế xã hội và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh...