Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định của pháp luật, nhiều công ty bảo hiểm đã có chủ trương tập trung xử lý nhanh để có thể tạm ứng và bồi thường cho khách hàng.
Ngay sau khi bão tan, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) đã lập tức thực hiện tăng cường, bổ sung lực lượng cán bộ giám định bồi thường từ Trụ sở chính và các địa bàn lân cận tới các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão, phối hợp với các đơn vị giám định độc lập để hỗ trợ khách hàng thống kê, giám định thiệt hại.
Thống kê sơ bộ, tính đến 14h00 ngày 17/09/2024, BIC đã tiếp nhận thông tin tổn thất từ 841 khách hàng. Trong đó, các mảng thiệt hại chính là: 386 khách hàng bị thiệt hại về tài sản, 47 khách hàng bị thiệt hại về hàng hóa, tàu thuyền, 406 khách hàng bị thiệt hại về xe cơ giới. Ước tính tổng thiệt hại gần 360 tỷ đồng, cao hơn khoảng 160 tỷ đồng so với số tiền công bố ngày 10/9/2024.
Các khách hàng bị thiệt hại tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh và một số khách hàng tại Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên…
Phần lớn khách hàng bị thiệt hại đều nằm trong các khu công nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông sản, vật liệu xây dựng và vận tải…
Trao đổi với Thương Gia, lãnh đạo BIC cho biết đã tạm ứng gần 1 tỷ đồng bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe ô tô đối với hành khách trên xe trong vụ sạt lở tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng khiến hàng chục người mất tích và tử vong. Đồng thời tạm ứng 1,4 tỷ đồng cho khách hàng tham gia bảo hiểm tai nạn và sức khỏe con người BIC Bình An bị đuối nước trước cổng chùa Quế Lâm thuộc địa phận Sông Lô, Việt Trì, Phú Thọ…
Hiện tại, BIC đang tập trung làm việc với đơn vị giám định để hoàn thiện thủ tục tạm ứng một phần số tiền bồi thường cho khách hàng trong tuần này và các tuần tiếp theo ngay sau khi đơn vị giám định kết thúc công tác giám định hiện trường với khách hàng.
Thực tế, tại các nước phát triển trên thế giới, các cá nhân, doanh nghiệp rất quan tâm tới bảo hiểm. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ được coi là tấm lá chắn tài chính tin cậy bảo vệ sức khỏe, tài sản của người dân, doanh nghiệp cũng như đảm bảo sự an toàn, phát triển của cả nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bảo hiểm nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng vẫn chưa thực sự được chú trọng.
Sau bão Yagi, vai trò của bảo hiểm đã được thể hiện rõ nét trong việc hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp, và cộng đồng khắc phục hậu quả và tái thiết cuộc sống.
Để thu hút, khuyến khích đông đảo người dân, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm, BIC kiến nghị một số giải pháp như sau với thị trường bảo hiểm cũng như các cơ quản lý nhà nước như sau:
Thứ nhất là tăng cường nhận thức của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể về vai trò của bảo hiểm: Doanh nghiệp bảo hiểm có thể hợp tác với Hiệp hội bảo hiểm, các cơ quan quản lý nhà nước để tổ chức các chương trình truyền thông, giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của bảo hiểm, đặc biệt là trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng. Điều này giúp nâng cao nhận thức về lợi ích của bảo hiểm và thúc đẩy người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia.
Thứ hai là tăng cường chính sách hỗ trợ và ưu đãi bảo hiểm: Để khuyến khích nhiều người dân và doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể có những chính sách ưu đãi. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể có chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp cũng có thể tiếp cận được các sản phẩm bảo hiểm.
Thứ ba là thiết kế các sản phẩm bảo hiểm phù hợp và đa dạng kênh phân phối: Các doanh nghiệp bảo hiểm cần thiết kế các sản phẩm bảo hiểm đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, bao gồm những gói bảo hiểm có mức phí hợp lý cho người dân có thu nhập thấp, và bảo hiểm chuyên biệt cho các doanh nghiệp trong các ngành nghề dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Thứ tư là đơn giản hóa thủ tục và quy trình bồi thường: Một trong những lý do khiến người dân ngần ngại tham gia bảo hiểm là lo ngại về quy trình bồi thường phức tạp và kéo dài. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần đơn giản hóa thủ tục, cải thiện quy trình bồi thường nhanh chóng và minh bạch hơn để tạo sự tin tưởng từ khách hàng.
Thứ năm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm: Sử dụng công nghệ số, chẳng hạn như ứng dụng trên thiết bị di động, trí tuệ nhân tạo (AI)… để quản lý hồ sơ khách hàng, giám sát rủi ro, và xử lý yêu cầu bồi thường một cách hiệu quả hơn. Điều này không chỉ giảm chi phí vận hành mà còn tăng cường trải nghiệm của người dùng.