Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump...

trump.jpg

Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, sự chú ý toàn cầu đang hướng về những chính sách mà chính quyền mới của ông Donald Trump sẽ triển khai khi nhậm chức vào đầu năm 2025. Nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, lo ngại về tác động của sự kiện này đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

KINH TẾ VIỆT NAM SẼ CHUYỂN ĐỘNG RA SAO?

Trong báo cáo chiến lược tháng 11, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) dựa trên phân tích của Economist Intelligence Unit (EIU) cho thấy Việt Nam có thể là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Nguồn: Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN)

Nguồn: Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN)

Theo dự báo từ EIU, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2025-2026 có thể giảm trung bình 0,8 điểm phần trăm mỗi năm. Nguyên nhân chủ yếu do các thay đổi có khả năng xảy ra trong chính sách thương mại quốc tế, khiến Việt Nam trở thành quốc gia bị tác động bất lợi thứ ba trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, chỉ đứng sau Mexico và Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã dọa sẽ áp mức thuế trừng phạt lên tới 60% hoặc cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và cũng có kế hoạch tăng thuế nhập khẩu từ 10-20% với hàng hóa từ các nước khác. Ban đầu, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu hướng "Trung Quốc + 1" khi chuỗi cung ứng dịch chuyển, nhưng cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt về giá tại thị trường Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

MASVN còn lưu ý rằng, Việt Nam có thể gặp bất lợi do chính sách bảo hộ của Mỹ ưu tiên sản xuất nội địa. Nguy cơ bị áp thuế đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được sản xuất tại nước thứ ba cũng là điều cần cảnh giác.

201.jpg
Nguồn: Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN)

Tương tự, Dragon Capital nhận định rằng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ dẫn đến những thay đổi lớn về chính sách với tầm ảnh hưởng toàn cầu trong bốn năm tới.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump đã nhấn mạnh các biện pháp thương mại mạnh mẽ nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ, bao gồm việc áp thuế 60% lên hàng hóa từ Trung Quốc để giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất nội địa, cũng như áp dụng mức thuế rộng từ 10-20% với các quốc gia khác nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ trước sự cạnh tranh quốc tế.

Dragon Capital cho rằng, nếu các tuyên bố thuế quan của ông Trump được thực hiện, có thể gây tác động tiêu cực đến các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng mạnh từ 50 tỷ USD năm 2016 lên 110 tỷ USD vào năm 2023, tăng gần 120% qua hai nhiệm kỳ trước.

Một điểm đáng lưu ý là quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã có bước tiến lớn kể từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi Việt Nam và Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP) với cam kết hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, đội ngũ phân tích của Dragon Capital cũng cảnh báo một số rủi ro như khả năng điều tra thương mại, cáo buộc thao túng tiền tệ, hoặc áp thuế diện rộng 10-20% lên các quốc gia xuất khẩu, điều có thể tạo áp lực không nhỏ đối với các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có Việt Nam.

VinaCapital lại có cái nhìn đầy lạc quan. Theo nhà quản lý quỹ, rủi ro về áp thuế đã bị đánh giá quá mức và không có lý do để lo rằng chiến thắng của ông Trump sẽ làm chệch hướng đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam.

Dự báo của VinaCapital cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ ít gặp biến động hơn so với nhiệm kỳ trước của ông Trump. Lần này, ông Trump có hiểu biết sâu hơn về cách vận hành của chính quyền và nhận được sự tư vấn từ những doanh nhân tài ba, thành đạt, vì vậy, ông có khả năng sẽ tiếp cận các vấn đề thương mại với sự tập trung và chiến lược rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, một khía cạnh đáng lưu ý là thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ – khoảng 100 tỷ USD trong năm ngoái, đưa Việt Nam vào vị trí có cán cân thương mại lớn thứ ba với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico.

VinaCapital cho rằng sự mất cân bằng này có thể sẽ trở thành vấn đề cho chính quyền ông Trump, nhưng cũng có thể giải quyết một cách khéo léo bằng việc Việt Nam tăng cường mua các sản phẩm giá trị cao từ Mỹ, chẳng hạn như khí LNG và động cơ máy bay.

VinaCapital tin tưởng Việt Nam sẽ duy trì được đà phát triển ổn định dưới thời ông Trump. Nhờ chính sách ngoại giao khôn khéo, Việt Nam đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc và đạt được nhiều thành tựu, và không có lý do để tin rằng điều này sẽ thay đổi.

Dù có khả năng Mỹ sẽ áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu, nhưng việc áp mức thuế nặng (20-30%) đối với hàng Việt Nam là rất khó xảy ra. Nếu Mỹ thực hiện chính sách áp thuế toàn diện, chẳng hạn 5-10% với tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc, Việt Nam vẫn sẽ giữ lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn FDI so với nhiều quốc gia khác.

CHỨNG KHOÁN VIỆT “NỞ HOA” HAY “BẾ TẮC”?

Theo Dragon Capital, dưới thời ông Trump, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng, lên tới 19,1% trong ba năm trước khi COVID-19 bùng phát.

Tuy nhiên, các chính sách và phát ngôn khó lường của ông cũng đã gia tăng độ biến động trên thị trường. Mặc dù vậy, VN-Index vẫn duy trì mức lợi nhuận kép hàng năm khoảng 15%, chỉ thấp hơn một chút so với tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, chịu tác động chiết khấu từ biến động thị trường.

Hiện tại, triển vọng kinh tế và thương mại của Việt Nam vẫn tích cực nhờ định hướng phát triển từ Chính phủ, mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro. Tuy nhiên, đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Mặc dù vậy, chỉ số P/E dự phóng năm 2024 của thị trường Việt Nam vẫn ở mức thấp, khoảng 11,5 lần, so với trung bình 5 năm là 17,2 lần, cho thấy khả năng giảm giá thêm sẽ bị giới hạn nhờ vào tâm lý tích cực của các nhà đầu tư trong nước.

Dragon Capital dự báo rằng trong ngắn hạn, thị trường sẽ tiếp tục biến động, nhưng không có dấu hiệu tác động lớn đến doanh thu của các doanh nghiệp trong phạm vi nghiên cứu. Các công ty thuộc nhóm ngành xuất khẩu – nhóm có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách của ông Trump – chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong VN-Index, do đó rủi ro từ nhóm này không quá đáng lo ngại.

Về trung hạn, Dragon Capital đưa ra hai kịch bản cho thị trường:

Ở kịch bản bảo hộ thương mại, nếu ông Trump áp dụng chính sách bảo hộ, thương mại có thể bị chậm lại, gây áp lực lên lợi nhuận doanh nghiệp. Trong kịch bản này, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể giảm từ mức 16%-18% xuống còn 5%-9%, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng rộng hơn.

Với kịch bản tích cực, trong trường hợp chỉ một số quốc gia hoặc sản phẩm bị đánh thuế mới, Việt Nam có thể hưởng lợi từ chênh lệch thuế quan với Trung Quốc. Khi các rào cản thương mại tăng lên đối với Trung Quốc, Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần sản xuất và xuất khẩu, tương tự như giai đoạn trước. Xu hướng này có thể thúc đẩy nội địa hóa sản xuất, củng cố nền kinh tế thực và hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam khi quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng diễn ra.

203.png
Nguồn: BSC Research

Theo phân tích của BSC Research, nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump dự kiến sẽ có tác động trung bình đến các ngành như điện, dầu khí, xuất nhập khẩu, khu công nghiệp và công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, ngành thép Việt Nam có thể đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực. Mỹ đã bắt đầu điều tra nguồn gốc xuất xứ và áp thuế đối với thép nhập khẩu từ các quốc gia lân cận như Mexico và Canada. Điều này có thể dẫn đến việc Mỹ mở rộng các biện pháp tương tự đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam, gây áp lực lên ngành thép trong nước.

Xem thêm

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Mặc dù xu hướng trung hạn đang là đi ngang nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì một vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục...

Chứng khoán Mỹ chưa dứt đà tăng, giá dầu sụt giảm

Chứng khoán Mỹ chưa dứt đà tăng, giá dầu sụt giảm

Ba chỉ số chính của Phố Wall đã ghi nhận mức đóng cửa kỷ lục vào thứ Hai, được thúc đẩy bởi các cổ phiếu dự kiến sẽ hưởng lợi từ chính sách tài chính tiềm năng của Tổng thống đắc cử Donald Trump….

Có thể bạn quan tâm

VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ

VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ

Việc xuất hiện lực cầu gia tăng khi chỉ số quay về vùng 1.250-1.260 điểm cho thấy đây là mốc hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường trong ngắn hạn. Chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ với kháng cự gần nhất là vùng 1.280 điểm...

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

Nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động do tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND chịu áp lực. Tuy nhiên, triển vọng tích cực hơn được kỳ vọng vào cuối năm khi các yếu tố này có thể đảo chiều, mở ra cơ hội phục hồi...

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vào thứ Sáu khi báo cáo lạm phát mới và bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm dịu bớt lo ngại về tình hình tăng lãi suất vào năm sau…