"Bảy thập kỷ quan hệ ngoại giao giữa hai nước được xây dựng thông qua sự hiểu biết, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, cũng như sự ủng hộ quên mình cả trong những thời điểm tốt đẹp và khó khăn. Nhìn lại lịch sử 70 năm qua, tôi phải gọi giai đoạn hiện nay của quan hệ Séc - Việt là “Thời kỳ vàng son”". Bằng chứng tốt nhất cho điều đó là tần suất các chuyến thăm chính trị cấp cao của hai nước trong vài năm trở lại đây. Điều đó rất quan trọng đối với cả hai quốc gia và là nhu cầu cần thiết để duy trì quan hệ trao đổi liên tục.
Nhờ sự hợp tác rất tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như thương mại, quốc phòng, khoa học, giáo dục, văn hóa và các lĩnh vực khác, quan hệ Séc - Việt đã có quá khứ nổi bật, hiện tại tuyệt vời và không nghi ngờ gì nữa, cả một tương lai rất hứa hẹn”.
Về quan hệ kinh tế, thương mại, trong 70 năm qua đã có những thành quả cụ thể đáng nhớ nào, thưa ông?
Thương mại là cốt lõi không thể tranh cãi của quan hệ Séc - Việt. Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Cộng hòa Séc ở Đông Nam Á. Thương mại song phương của chúng ta tăng trưởng ổn định trong khi kim ngạch thương mại đã vượt quá 1 tỷ đô la Mỹ. Cả hai bên đều quan tâm sâu sắc đến việc tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế ở cấp chính phủ và cấp doanh nghiệp.
Việt Nam xuất hiện trong các văn kiện chiến lược về thương mại và đầu tư của Séc với tư cách là một trong những quốc gia ưu tiên. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định cùng với tốc độ hiện đại hóa nền kinh tế nhanh chóng đã đưa Việt Nam trở thành đối tác ngày càng hấp dẫn của Cộng hòa Séc.
Việt Nam đã cải thiện đáng kể các điều kiện cho các nhà đầu tư quốc tế trong thập kỷ qua và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các công ty Séc. Các doanh nghiệp Séc đã đầu tư gần 100 triệu USD vào 30 dự án đầu tư khác nhau tại Việt Nam và chúng tôi tin rằng xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Trong thời gian hiện nay đang có những dự án hay kế hoạch nào trong quan hệ kinh tế giữa hai nước?
Những chuyến bay thẳng giữa Hà Nội và Praha đã sẵn sàng cất cánh ngay sau khi chúng ta vượt qua đại dịch COVID-19 và khôi phục các tiêu chuẩn liên quan tới an toàn sức khỏe. Những chuyến bay thẳng này sẽ hỗ trợ rất nhiều và thúc đẩy hợp tác song phương của hai nước trong hầu hết linh vực mối quan hệ của chúng ta bao gồm thương mại, du lịch, đầu tư hoặc trao đổi văn hóa.
Ngoài các phương thức thương mại truyền thống, các công ty của Séc ngày càng quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ và đầu tư của họ sang Việt Nam. Cộng hòa Séc là một cường quốc ô tô thực sự của châu Âu, nhận thấy tiềm năng lớn nhất trong việc chuyển giao công nghệ ô tô cho Việt Nam. Tính theo bình quân đầu người, Cộng hòa Séc đứng thứ hai trên thế giới về sản xuất ô tô chở khách và có truyền thống lâu đời và mạnh về sản xuất xe tải và xe buýt. Các thương hiệu xe hơi truyền thống của Séc như Škoda, Tatra hay Avia đang tìm kiếm cơ hội mới ở châu Á và cũng có kế hoạch thâm nhập thị trường ô tô tại Việt Nam.
Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng là một trụ cột quan trọng khác trong quan hệ kinh tế của chúng ta. Chúng tôi vui mừng vì có thể giúp Việt Nam hiện đại hóa quân đội và tăng cường khả năng quốc phòng. Cộng hòa Séc với tư cách là nhà sản xuất và xuất khẩu công nghệ quốc phòng truyền thống sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực cung cấp công nghệ mà còn trong việc đào tạo các quân nhân hiện tại và tương lai.
Cũng cần nhắc lại, khai khoáng cũng là lĩnh vực truyền thống trong quan hệ kinh tế của chúng ta. Các công ty địa chất của Séc hợp tác với các đối tác Việt Nam trong việc khảo sát các mỏ khoáng sản ở Việt Nam và đào tạo các chuyên gia Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Cộng hòa Séc, nhà sản xuất thủy tinh pha lê nổi tiếng, sẵn sàng giúp Việt Nam khai thác cát silica chất lượng cao và hiện đại hóa ngành công nghiệp thủy tinh.
Thương mại giữa Cộng hoà Séc - Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Cộng hoà Séc xuất khẩu Việt Nam phần lớn là máy móc thiết bị phục vụ cho ngành công nghiệp, bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Séc, đáng kể đến là mặt hàng pha lê và bia Tiệp. Cộng hoà Séc cũng là nhà cung cấp quan trọng các công nghệ quốc phòng tinh vi cho các lực lượng vũ trang Việt Nam.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt nam sang Công hoà Séc chủ yếu là giày dép, điện thoại di động, điện tử, quần áo, cao su và các nông sản khác như cà phê, thuỷ hải sản và trái cây nhiệt đới.
Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mong chờ những ưu thế, kế hoạch cụ thể gì trong thời gian tới sau hiệp định EVFTA và sau đại dịch COVID-19 hiện nay?
Hiệp định Thương mại Tự do EU -Việt Nam (EVFTA) đầy tham vọng đã có hiệu lực vào tháng 8 năm 2020, có tác động sâu rộng đến thương mại và đầu tư song phương của chúng ta nhờ việc cắt giảm thuế quan và các cam kết mạnh mẽ của cả EU và Việt Nam.
Những lợi ích rõ ràng nhất được kỳ vọng là gia tăng thương mại đáng kể được hỗ trợ bởi việc cắt giảm đáng kể hoặc thậm chí xóa bỏ hoàn toàn các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Điều chưa từng xảy ra trong trao đổi hàng hóa giữa CH Séc và Việt Nam khi EVFTA sẽ cắt giảm 99% thuế hải quan.
Ngoài ra, các cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch sẽ giúp thúc đẩy hiệu quả đầu tư cao cấp từ Cộng hòa Séc vào Việt Nam. Chưa bao giờ là thời điểm phù hợp để kinh doanh hơn hiện nay. Đó là lý do tại sao bản thân tôi nhìn nhận tương lai của quan hệ kinh tế Séc - Việt với sự lạc quan khả thi.
Các doanh nghiệp Séc sẽ có những ưu thế gì cụ thể gì và đang tìm kiếm sự hợp tác như thế nào, về lĩnh vực nào trong quan hệ với các doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?
Đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Séc sang Việt Nam, chẳng hạn như máy móc thiết bị, thủy tinh, vũ khí, đạn dược hoặc đồ chơi, v.v., thuế sẽ giảm xuống 0 hoặc chỉ còn là một phần nhỏ so với thuế suất hiện hành. Nhập khẩu xe có động cơ và phụ tùng ô tô, nhập khẩu nông sản, bao gồm nhập khẩu bia và hoa bia của Séc, sẽ được tự do hóa hoàn toàn sau đó một thời gian ngắn, trong khoảng từ 4 đến 11 năm.
EVFTA sẽ cho phép các công ty Séc tiếp cận mua sắm công tại Việt Nam một cách minh bạch, không phân biệt đối xử và việc bảo vệ bản quyền, bằng sáng chế đối với các sản phẩm dược phẩm cũng sẽ được tăng cường. Chúng tôi kỳ vọng rằng EVFTA sẽ làm tăng xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Séc sang Việt Nam khoảng 20%. Sau khi kết thúc tất cả các giai đoạn chuyển tiếp, xuất khẩu sản phẩm kỹ thuật của Séc sẽ tăng 35%. Xuất khẩu các sản phẩm thủy tinh của Séc có thể tăng tới 269%.
Sự hợp tác nói chung và kinh tế nói riêng chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ là vấn đề được nói đến trong rất nhiều năm. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại chắc chắn vẫn chưa tương xứng. Có rất nhiều cơ hội trong thương mại và đầu tư chưa được khai phá cho đến nay. Một trong những lý do có thể là do khoảng cách địa lý giữa hai quốc gia và sự khác biệt về văn hóa trong kinh doanh. Thế giới toàn cầu hóa ngày nay đã rút ngắn khoảng cách giữa cung và cầu, đưa ra những cách tiếp thị mới và mở ra cơ hội kinh doanh mới ngay cả đối với những quốc gia ở rất xa.
Phòng thương mại Sứ quán CH Séc có thể giúp đỡ dược gì cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu họ muốn hợp tác với các doanh nghiệp CH Séc?
Bộ phận kinh tế của Đại sứ quán Séc cung cấp một loạt các dịch vụ thương mại và đầu tư và hỗ trợ thiết thực. Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là giúp các công ty Séc thành công trên thị trường Việt Nam, tuy nhiên, chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ các công ty Việt Nam quan tâm đến việc thành lập doanh nghiệp hoặc đầu tư vào Cộng hòa Séc.
Theo ông, khó khăn (hay vướng mắc, rào cản) lớn nhất của sự hợp tác giữa các công ty Việt Nam và CH Séc là gì? Có cơ hội giải quyết được những khó khăn đó hay không?
Vẫn còn rất nhiều rào cản cần được gỡ bỏ trong quan hệ thương mại lẫn nhau của chúng ta như quá trình đồng bộ hóa các tiêu chuẩn, cấp phép cho các sản phẩm nông nghiệp và dược phẩm,... Hiện nay rất khó để loại bỏ chỉ một trong số đó.
Dù sao, tôi tin rằng một “người chơi” mới đủ sức thay đổi cuộc chơi đã xuất hiện. Tên của “người chơi” được mã hóa dưới dạng viết tắt của EVFTA. Nó sẽ sớm làm cho cuộc sống của các doanh nhân và nhà đầu tư ở cả hai nước dễ dàng hơn nhiều.
Ảnh: Kim Khánh