Thông tư 17/2022/TT-NHNN: Một thông tư chỉ có tính chất "làm đầy hồ sơ"?

Sẽ có hiệu lực vào tháng 6 tới, Thông tư 17/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ hướng dẫn được các tổ chức tín dụng mức độ rủi ro của dòng vốn trước khi đầu tư vào dự án...
Thông tư 17/2022/TT-NHNN: Một thông tư chỉ có tính chất "làm đầy hồ sơ"?

Có thể nói, mục tiêu của Thông tư 17/2022/TT-NHNN là bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư dự án trước tác động của môi trường trong quá trình vận hành dự án. Nhưng đây cũng chính là cách để các tổ chức tín dụng tính toán mức độ thiệt hại để bảo vệ dòn vốn tín dụng của chính mình.

Đề cao trách nhiệm khi cho vay của các tổ chức tín dụng 

Tại thông tư này, thông tin quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng bao gồm 08 nội dung: 

(1) Thông tin về môi trường của dự án đầu tư của khách hàng.

(2) Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường, Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật, Giấy phép môi trường, Đăng ký môi trường (nếu có).

(3) Kết quả kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường (nếu có).

(4) Thông tin khảo sát thực tế, thông tin từ cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp về hoạt động của dự án đầu tư của khách hàng liên quan đến thực hiện quy định về bảo vệ môi trường (nếu có).

(5) Báo cáo công tác bảo vệ môi trường của khách hàng gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

(6) Báo cáo của khách hàng gửi tổ chức tín dụng về việc thực hiện các cam kết nhằm hạn chế rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng theo thỏa thuận tại thỏa thuận cấp tín dụng.

(7) Báo cáo của các cơ quan, tổ chức phải thực hiện báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có).

(8) Các thông tin khác liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường.

Như vậy, trách nhiệm của chủ đầu tư là cung cấp các báo cáo liên quan đến 08 thông tin kể trên cho các tổ chức tín dụng theo đúng yêu cầu đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đã cung cấp.

Điều đáng nói nhất, thông tư này đã định nghĩa cụ thể hơn về khái niệm "rủi ro về môi trường của dự án đầu tư". Cụ thể, thông tư này chỉ rõ, rủi ro về môi trường của dự án đầu tư là khả năng xảy ra những tác động xấu tới môi trường trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dẫn đến làm phát sinh thêm chi phí, giảm thu nhập hoặc gây tổn thất về vốn, tài sản của khách hàng là chủ dự án đầu tư. Rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là rủi ro tín dụng của tổ chức tín dụng phát sinh khi khách hàng được cấp tín dụng gặp rủi ro về môi trường.

Như vậy, Thông tư 17 hướng dẫn cách thức vừa bảo vệ chính tổ chức tín dụng (cụ thể là nguồn vốn) vừa bảo vệ chủ đầu tư (cụ thể là dự án). Đây không chỉ là cách để tăng cường mức độ an toàn của nguồn vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng mà còn là giải pháp để tiến tới thúc đẩy tài chính bền vững, hướng dòng vốn tín dụng trở thành những dòng vốn tín dụng xanh.

Nhưng “vòng luẩn quẩn” đang lặp lại? 

Tuy nhiên, cũng theo Thông tư 17/2022/TT-NHNN này, các dự án phải thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là các dự án đầu tư quy định tại Phụ lục III, IV, V ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP ban hành ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. 

Theo Luật sư Lê Thanh Hữu, chiếu theo quy định kể trên của Thông tư 17, các dự án cần xác định rủi ro tín dụng môi trường là: 

Dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, bao gồm:

+ Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

+ Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

+ Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

+ Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

+ Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

+ Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.

Các dự án đầu tư nhóm II là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, trừ dự án quy định tại khoản 3 Điều này gồm:

+ Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình;

+ Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

+ Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình hoặc với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

+ Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình hoặc với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

+ Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

+ Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình.

- Dự án đầu tư nhóm III là dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, trừ dự án quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, bao gồm:

+ Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất nhỏ;

+ Dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có phát sinh nước thải, bụi, khí thải phải được xử lý hoặc có phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải.

Về bản chất, các dự án này đều gây ảnh hưởng xấu thậm chí là cực kỳ nghiêm trọng đến môi trường, nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật bảo vệ môi trường 2020. Cũng theo Luật sư Hữu, một trong những nguyên tắc quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là dựa trên nguyên tắc phù hợp với các quy định của pháp luật về cấp tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án đầu tư để xác định rủi ro tín dụng, xác định các điều kiện cấp tín dụng của khoản cấp tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng đối với khoản cấp tín dụng của khách hàng. Khi đánh giá dự án đầu tư có rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng bổ sung tại thỏa thuận cấp tín dụng các biện pháp khách hàng cam kết thực hiện nhằm hạn chế rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Quan trọng hơn, tổ chức tín dụng tổ chức thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường của dự án đầu tư hoặc sử dụng kết quả đánh giá rủi ro về môi trường của dự án đầu tư từ các tổ chức có chức năng cung ứng dịch vụ đánh giá rủi ro về môi trường hoặc từ các tổ chức tín dụng khác theo thỏa thuận tại hợp đồng cung cấp dịch vụ. Nhưng dựa theo 08 thông tin về rủi ro môi trường theo quy định tại thông tư này (đã được phân tích ở trên) thì mọi thông tin về tác động môi trường được các tổ chức tín dụng sử dụng để đánh giá rủi ro nguồn vốn đều đến từ phía chủ đầu tư dự án. 

Thực chất, theo luật sư Hữu, khi lập hồ sơ cho các dự án có tác động lớn đối với môi trường như trên, về nguyên tắc, vốn dĩ các thông tin này đã buộc phải có. Nếu chiếu theo Phụ lục này thì các dự án này vốn là các “đối tượng” thuộc Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng hay nằm trong quy hoạch. Thậm chí, dự án này còn có thể được ghi rõ trong danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (chiếu theo Phụ lục II của Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Như vậy, việc tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro tín dụng về môi trường lại được dựa trên những văn bản đã có, được chính các chủ đầu tư thực hiện liệu có đang chỉ làm đầy hồ sơ mà chưa đi sâu vào đúng ý nghĩa và mục tiêu của việc bảo vệ nguồn vốn tín dụng cho cả chủ đầu tư lẫn tổ chức tín dụng? 

Có thể bạn quan tâm