Đồng thời, Thủ tướng cũng đồng ý tăng dự trữ gạo trong nước từ 300 nghìn tấn lên 700 nghìn tấn. Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống.
Như đã đưa tin, sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo được áp dụng từ 0 giờ ngày 24/03/2020 nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành lương thực đã bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ bị phạt hợp đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin phản ánh về quyết sách này của Chính phủ.
Trước những diễn biến này, ngày 25/03, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định.
Sau khi kiểm tra, rà soát, ngày 06/04, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có công văn số 2412 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn.
Bộ Công Thương nhận định, hoạt động xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2020 cho thấy nhu cầu lương thực, thực phẩm đang tăng mạnh trên thế giới trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Giao dịch gạo trong thời gian qua rất sôi động, giá gạo thế giới liên tục tăng dù Ấn Độ và Việt Nam (2 quốc gia sản xuất, xuất khẩu lúa gạo lớn) được mùa do xuất hiện thêm nhu cầu tăng dự trữ tại nhiều quốc gia.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng 31,7% về lượng, là mức tăng khá cao so với mức tăng cùng kỳ 3 năm gần đây. Do Ấn Độ áp lệnh phong toả, nếu tiếp tục giữ tốc độ xuất khẩu bình quân 25.000 tấn/ngày thì xuất khẩu gạo quý II/2020 của nước ta sẽ đạt gần 1,7 triệu tấn. Xuất khẩu quý II/020 có thể đạt trên 2 triệu tấn. Tổng cộng 6 tháng đầu năm (trước khi vụ Hè Thu thu hoạch rộ) có thể xuất khẩu trên 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với lượng gạo hàng hóa có thể dành cho xuất khẩu là 3 triệu tấn.
Theo tính toán của Bộ Công thương, khó xảy ra khả năng thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước. Để đảm bảo an ninh lương thực, Bộ kiến nghị có thể tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trước mắt là tháng 04 và tháng 05/2020. Cùng với đó, Bộ Công Thương kiến nghị tăng dự trữ gạo trong nước từ 300 nghìn tấn lên 700 nghìn tấn.
Nhận được báo cáo của Bộ Công Thương, ngày 10/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn. Theo đó, Thủ tướng đồng ý chủ trương về phương án, cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 04/2020 và tăng dự trữ gạo trong nước từ 300 nghìn tấn lên 700 nghìn tấn như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, NN&PTNT và các cơ quan liên quan khẩn trương quyết định và triển khai thực hiện phương án xuất khẩu gạo theo pháp luật, bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh COVID-19. Giảm thiểu gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân.
Bộ Công Thương phải báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4/2020 và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5/2020 trước ngày 25/4. Xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch COVID-19 kéo dài kể cả đến hết năm 2020.
Giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu theo đề xuất của Bộ Công Thương. Đảm bảo công khai, minh bạch, dễ thực hiện giám sát, không xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương mua đủ số lương thực dự trữ theo chỉ tiêu, kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020 đã được phê duyệt.
Với những diễn biến nêu trên, có thể nhận thấy, việc Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 04/2020 thì bài toán thực hiện tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp đã ký kết trước ngày 24/03 đã được tháo gỡ, vấn đề an ninh lương thực trong nước không còn đáng lo ngại. Quyết định này của Chính phủ đã được dư luận cả nước và cộng đồng doanh nghiệp đồng tình hưởng ứng.