Thủ tướng đưa ra 10 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra 10 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm…
Thủ tướng đưa ra 10 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

Chiều 4/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và nửa đầu năm 2023.

Kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng còn hạn chế

Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhìn chung kinh tế vĩ mô nước ta được duy trì ổn định. Về lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần, tăng trưởng phục hồi GDP quý 2 tăng 4,14%, cao hơn mức tăng của quý 1, tính chung 6 tháng tăng 3,72%.

Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm, giảm 0,7% so với cuối năm 2022, lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm, giảm 1%.

Xuất nhập khẩu có xu hướng tăng trở lại, tháng 6 xuất khẩu tăng 4,5%, nhập khẩu tăng 2,6% so với tháng 5, xuất siêu 2,59 tỷ USD; quý 2 xuất khẩu tăng 2,9%, nhập khẩu tăng 2,6% so với quý 1; tính chung 6 tháng đầu năm, xuất siêu 12,25 tỷ USD. Thu chi ngân sách nhà nước bảo đảm tiến độ, thu đủ chi, trong đó, thu ngân sách nhà nước 6 tháng được 876 nghìn tỷ đồng, đạt 54% dự toán năm.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi tốt, công nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế; 6 tháng xuất khẩu 4,27 triệu tấn gạo, tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 24,6 tỷ USD.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trở lại, quý 2 tăng 1,56%, tính chung 6 tháng tăng 0,44% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ giữ mức tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 10,9% so với cùng kỳ. Thu hút khách quốc tế tháng 6 tháng đạt 5,6 triệu lượt, gấp 9,3 lần cùng kỳ.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục tăng, quý 2 cao hơn quý 1, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý II tăng 5,5%, tính chung 6 tháng tăng 4,7%. Về giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt 216 nghìn tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ và số tuyệt đối cao hơn khoảng 65 nghìn tỷ đồng, vốn FDI thực hiện đạt 10,2 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ.

kinh tế - xã hội
Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm giai đoạn 2010 - 2023

Trong 6 tháng, có 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, dẫn đến tổng số có 113.600 doanh nghiệp gia nhập thị trường, cao hơn so với 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh, góp phần làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, Đảng viên.

Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn đánh giá, nước ta còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, cần xử lý. Trong đó nổi lên là tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn kịch bản đề ra, đặc biệt có 4 địa phương tăng trưởng âm; lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép; điều hành chính sách tiền tệ trong nước khó khăn trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ, EU và nhiều nước khác tiếp tục thắt chặt và khó dự báo; doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa...

10 giải pháp

Từ những khó khăn trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung quyết liệt, hiệu quả 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp.

Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành nắm chắc tình hình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời, hiệu quả, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất ngay với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, các bộ, ngành cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm.

Thứ ba, các tháng cuối năm cả nước tập trung thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia đi qua các địa phương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, tích cực giải quyết cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án đường cao tốc.

Thứ tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới; yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả.

Thứ năm, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ sáu, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, việc làm và đời sống nhân dân, lưu ý vấn đề tăng lương và kiểm soát giá.

kinh tế - xã hội
Các đồng chí lãnh đạo tham gia cuộc họp báo

Thứ bảy, thúc đẩy các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thứ tám, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thứ chín, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề quan trọng, cấp bách hoặc mới phát sinh. Đẩy mạnh và hoàn thành dứt điểm công tác quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII; xây dựng hệ thống truyền tải điện; trong đó có chuỗi dự án điện khí Ô Môn, đường dây 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc. Bảo đảm đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của nhân dân…

Thứ mười, chuẩn bị kỹ, phục vụ tốt các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhất là Hội nghị Trung ương, kỳ họp Quốc hội vào cuối năm.

Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tập trung chủ động thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt hoặc báo cáo các quy hoạch theo thẩm quyền. Chú trọng giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên, vật liệu san lấp, phục vụ xây dựng các dự án cao tốc qua địa bàn.

Kiên quyết đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh theo thẩm quyền; thành lập và phát huy vai trò Tổ công tác đặc biệt thực hiện nhiệm vụ này do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng.

Chủ động rà soát, có biện pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện các dự án công nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại; phối hợp xử lý vấn đề trái phiếu DN trên địa bàn; nghiên cứu, chủ động có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đời sống người lao động phù hợp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật.

Có thể bạn quan tâm