Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ đến thăm Bắc Kinh trong tuần này, đánh dấu chuyến đi thứ hai của một quan chức nội các tới Trung Quốc kể từ khi quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ngày một xấu đi trong thời gian qua.
Chuyến đi dự kiến từ ngày 6 - 9/7 của bà Yellen diễn ra chỉ vài tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương tại Bắc Kinh vào tháng 6 vừa qua. Ông Blinken là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đã đến thăm thủ đô của Trung Quốc trong gần 5 năm, và trong cuộc gặp hiếm hoi này, chính chủ tịch Tập Cận Bình đã cho biết ông thấy tiến triển trong mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo thông cáo từ Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen dự kiến sẽ tham gia thảo luận với những người đồng cấp về tầm quan trọng đối với cả hai quốc gia trong việc duy trì mối quan hệ song phương một cách có trách nhiệm, trao đổi trực tiếp về các lĩnh vực quan tâm và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu.
Thúc đẩy tương tác song phương
Người phát ngôn của chính phủ Mỹ tiết lộ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ có cuộc thảo luận với các quan chức cấp cao của Trung Quốc và các công ty hàng đầu của Mỹ, nhưng không cung cấp thêm thông tin cụ thể. Một thông tin khác mà hãng tin Reuters nhận được cho thấy bà Yellen dự kiến cũng sẽ gặp mặt Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Ông Edward Alden, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) chia sẻ với tờ AFP: “Tôi nghĩ rằng chính phủ Mỹ rõ ràng đang cố gắng đặt lại một số nền tảng cho mối quan hệ kinh tế song phương, vốn đang ngày càng xấu đi”.
Ông Alden nói thêm, chuyến đi của bà Yellen có thể khởi động lại một mô hình tương tác ở các cấp thấp hơn, đồng thời cho biết thêm rằng Mỹ đã chuyển từ trạng thái mập mờ trong việc ủng hộ chiến lược “decoupling” (tách rời) sang việc áp dụng phương thức “derisking” (hạ thấp rủi ro).
Điều này có nghĩa là Mỹ đang tập trung vào một phạm vi nhỏ những khía cạnh có tầm quan trọng chiến lược, cố gắng xây dựng hàng rào xung quanh các khía cạnh đó, nhưng đồng thời vẫn cố gắng tiếp tục nuôi dưỡng mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung vững mạnh”, Alden đánh giá.
Nhưng các nhà quan sát không mong đợi một giải pháp có thể nhanh chóng giải quyết mối quan hệ hiện nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bởi lẽ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang xem xét một chương trình hạn chế đầu tư ra nước ngoài, xung quanh các công nghệ nhạy cảm có liên quan đến an ninh quốc gia. Đây là một trong những vấn đề đã khiến các quan chức Trung Quốc nổi giận.
Các điểm vướng mắc khác có thể bao gồm cả những sửa đổi trong luật chống gián điệp của Trung Quốc gần đây, một lần nữa mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp trong công nghệ thông tin. Đây cũng là động thái khiến các doanh nghiệp trong và ngoài nước lo lắng và bối rối.
Quan chức cấp cao của Bộ Tài chính đã nói với các phóng viên rằng Washington dự định sẽ truyền đạt những quan ngại của mình về điều luật này. Mặc dù những bất đồng quan trọng có thể không được giải quyết trong một chuyến đi, nhưng Mỹ mong muốn thúc đẩy tần suất liên lạc với Trung Quốc và để ổn định mối quan hệ, tránh thông tin sai lệch và mở rộng hợp tác nếu có thể, quan chức này cho biết.
Thảo luận về tăng trưởng toàn cầu, vấn đề nợ
“Đối với Mỹ, cuộc thảo luận với các quan chức từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là rất quan trọng để giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu được mạnh mẽ hơn và giải quyết vấn đề nợ tại phía nam bán cầu”, bà Wendy Cutler, phó chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á, nhận định.
Phát ngôn viên của Washington cũng nhắc tới tiềm năng về một mối quan hệ lành mạnh với Bắc Kinh và khẳng định Mỹ không tìm cách chia rẽ các nền kinh tế mà kỳ vọng có thể theo đuổi hợp tác dài hạn nhằm giải quyết những thách thức cấp bách hiện nay. "Trong khi Mỹ luôn tìm cách đảm bảo các lợi ích an ninh quốc gia và bảo vệ nhân quyền, những hành động từ trước đến nay của Washington không hề nhằm mục đích giành giật lợi thế kinh tế của Trung Quốc", đại diện Nhà Trắng nhấn mạnh.
Về phía Bắc Kinh, bà Wendy Cutler cho rằng các quan chức nước này đang tìm kiếm những tín hiệu cụ thể cho thấy Mỹ không hề có mục tiêu “decouling” (tách rời) và kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.
Nhưng bất chấp các chính sách của Mỹ khiến Bắc Kinh nổi giận, các quan chức cũng nhận thức được việc Trung Quốc vẫn tiếp tục phụ thuộc vào xuất khẩu và tầm quan trọng của thị trường Mỹ, ông Edward Alden của CFR nhận xét. “Tôi nghĩ Bắc Kinh đang ngày càng được thuyết phục rằng Trung Quốc cũng cần nỗ lực hơn trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, bởi đơn giản là nó cũng quá quan trọng đối với Trung Quốc”.
Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong những năm gần đây đã lan rộng sang các xung đột về thương mại, nhân quyền, công nghệ, bên cạnh những vấn đề khác.
Tuy nhiên, các chương trình đón tiếp nồng hậu của Bắc Kinh đối với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được coi là một dấu hiệu rõ rệt cho thấy sự hạ nhiệt trong mối quan hệ giữa hai bên.