Thủ tướng: Triển khai các dự án năng lượng tái tạo có tình trạng thực tiễn đi trước văn bản quy phạm pháp luật

Hiện nay vẫn còn những dự án năng lượng tái tạo bị tạm dừng, chậm tiến độ, chậm đưa vào khai thác sử dụng...

Thủ tướng: Triển khai các dự án năng lượng tái tạo có tình trạng thực tiễn đi trước văn bản quy phạm pháp luật

Chiều 12/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, có những điểm sáng, bài học kinh nghiệm trong phát triển điện, như việc triển khai thần tốc đường dây 500 kV mạch 3 nhanh nhất, chất lượng tốt và không đội vốn.

Tính đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%; sản lượng điện phát của nguồn điện (gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà) lũy kế năm khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng gần 13% hệ thống điện.

“Những kết quả này góp phần thực hiện định hướng trong Quy hoạch điện VIII , cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng’, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vẫn còn những dự án năng lượng tái tạo bị tạm dừng, chậm tiến độ, chậm đưa vào khai thác sử dụng. Nguồn lực này cũng rất lớn, cần nhanh chóng triển khai đưa vào khai thác sử dụng trên tinh thần hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

“Tuy nhiên, với hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo có những điểm mới, những vấn đề phức tạp, có tình trạng thực tiễn đi trước văn bản quy phạm pháp luật. Việc phát triển năng lượng điện mặt trời, điện gió triển khai nhanh, có tích cực nhưng cũng có khó khăn, vướng mắc, có cả sai phạm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu.

img4118-17340015518331278997215.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Các sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận cụ thể; cần được bóc tách, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với các cá nhân liên quan. Song, việc chậm trễ không đưa các dự án vào khai thác sử dụng sẽ gây lãng phí rất lớn đối với nguồn lực xã hội, không tận dụng được nguồn điện sẵn có để bù đắp, bảo đảm cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng; hệ luỵ có thể gây nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng thanh toán, không trả nợ được ngân hàng, dẫn đến phá sản, các doanh nghiệp, người dân mất tiền bạc, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh.

Trước tình trạng đó, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Ngày 7/12/2024, Chính phủ đã họp và thống nhất ban hành Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Thủ tướng khẳng định, không hợp thức hoá những người làm sai nhưng phải có giải pháp cho những công trình đã đầu tư hoàn chỉnh, cần khai thác để không lãng phí nguồn lực của xã hội. Đây là sự nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, đã lắng nghe các ý kiến của các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương và quyết tâm giải quyết, tháo gỡ.

"Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án năng lượng tái tạo phải công khai, minh bạch, không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu. Chính phủ ra chủ trương tháo gỡ, các địa phương phải cùng với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không ai phải chạy chọt gì cả.

Đặc biệt nghiêm cấm việc chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng rồi lại phải đi xử lý, mất người, mất của, mất thời gian, mất niềm tin, mất cơ hội. Nếu ai chạy chọt thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải khẩn trương vào cuộc, chủ động thực hiện các giải pháp để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng nêu rõ, việc phải tháo gỡ ngay các vướng mắc để triển khai, đưa vào khai thác sử dụng đối với các dự án điện năng lượng tái tạo là yêu cầu khách quan, bức thiết. Các dự án điện năng lượng tái tạo nếu không tháo gỡ để đưa vào vận hành sẽ gây lãng phí về nguồn vốn đã đầu tư; lãng phí nguồn điện, không bổ sung được nguồn điện trong khi chúng ta đang rất cần, nhất là giai đoạn 2026-2030.

Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án này sẽ là cơ sở quan trọng để tăng trường nguồn điện phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và thời gian tới. Các giải pháp tháo gỡ được các bộ, ngành, cơ quan địa phương thống nhất rất cao, Chính phủ đã thông qua nên cần phải quán triệt tổ chức thực hiện ngay, khẩn trương, đồng bộ và hiệu quả.

Về quan điểm, Chính phủ xác định giải quyết vướng mắc với tinh thần lựa chọn phương án xử lý tối ưu trên cơ sở phân tích, đánh giá, so sánh lợi ích về kinh tế - xã hội và hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, an ninh năng lượng quốc và hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân.

Xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng để tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án bằng các giải pháp kinh tế; nếu pháp luật hiện hành có thay đổi, không gây ra hậu quả, không có hành vi tham nhũng thì không xử lý hình sự.

Về giải pháp, thống nhất xử lý, cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Xem thêm

“Bắt mạch” cổ phiếu ngành điện

“Bắt mạch” cổ phiếu ngành điện

Ngành điện Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu điện tăng 10-11%, phát triển năng lượng tái tạo và dự án LNG Nhơn Trạch 3. Chính sách hỗ trợ và mở rộng hạ tầng giúp doanh nghiệp điện lực như PV Power, PC1, REE, QTP hưởng lợi, mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn....

Có thể bạn quan tâm