Thủ tướng yêu cầu hoàn thành sân bay Cà Mau trước ngày 30/4/2025

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long…

Thủ tướng chúc mừng các địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang hình thành hệ thống hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và với các vùng trong cả nước
Thủ tướng chúc mừng các địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang hình thành hệ thống hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và với các vùng trong cả nước

Với cả nước, Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song có những điểm nghẽn, hạn chế, đặc biệt là về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông cần nhanh chóng được tháo gỡ, đẩy mạnh phát triển…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự quan tâm của Chính phủ đối với việc phát triển hạ tầng chiến lược cả nước nói chung, đặc biệt là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng. Tuy nhiên, chính những hạn chế về hạ tầng giao thông làm tăng chi phí logistics, chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, không tạo ra không gian phát triển mới, hạn chế việc tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực này.

Nhận diện những khó khăn, vướng mắc làm chậm sự phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực trọng điểm kinh tế, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh nhân dân trông đợi, yêu cầu phát triển cao, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo rõ tình hình triển khai các dự án; Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo rõ về tình hình vật liệu xây dựng (đá, cát, sỏi…);

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo về tình hình cân đối, bố trí vốn; các địa phương thiếu vật liệu san lấp báo cáo việc đến nay còn khó khăn không; các địa phương có nguồn vật liệu san lấp (Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre…) báo cáo rõ việc cung ứng cho các dự án; các ban quản lý, nhà thầu, tư vấn báo cáo rõ còn có vướng mắc gì không, cần giải pháp gì…

Không chỉ phát triển cơ sở hạ tầng đường bộ, Chính phủ yêu cầu các địa phương quan tâm toàn diện đến toàn bộ hệ thống giao thông đặc biệt là giải pháp triển khai các dự án các sân bay, bến cảng… cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, nỗ lực hoàn thành dự án sân bay Cà Mau, máy bay cất hạ cánh được vào dịp 30/4/2025. "Chúng ta không thể để chậm chỉ vì lý do thủ tục, trong khi nhân dân ngày đêm mong chờ, yêu cầu phát triển phải có sân bay", Thủ tướng nêu rõ.

Liên quan đến kế hoạch thúc đẩy tiến độ hoàn thành dự án sân bay Cà Mau, mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1188/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư dự án. Vốn đầu tư của dự án khoảng 2.400 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn chủ sở hữu của ACV.

Chính phủ đề ra mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau và khu vực.

Theo kế hoạch, dự án sân bay Cà Mau được xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400 m × 45 m, đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; xây dựng đường lăn nối đường cất hạ cánh với sân đỗ máy bay kích thước 128 m × 15 m, lề vật liệu mỗi bên 5 m và 05 đường lăn chờ; xây dựng sân đỗ máy bay ở khu vực phía Nam kích thước 182 m × 112,5 m, lề vật liệu rộng 5 m, đáp ứng khai thác 03 vị trí đỗ A320, A321 và tương đương.

Bên cạnh đó tiến hành cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu đạt công suất 500.000 hành khách/năm (có thể mở rộng đảm bảo khai thác 1 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu). Diện tích xây dựng nhà ga hành khách khoảng 2.668 m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 4.200 m2, 2 tầng, chiều cao công trình khoảng 9,5 m.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đại diện các đơn vị tiếp tục báo cáo tiến độ xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông khu vực trọng điểm kinh tế này, trong đó có 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng.

Xem thêm

Khu đất vàng 275 Nguyễn Trãi

Tài chính Hoàng Huy lên tiếng sau khi bị Thanh tra Chính phủ gọi tên

Theo TCH, quá trình thi công dự án 275 Nguyễn Trãi đều có giấy phép xây dựng, chấp thuận của cơ quan nhà nước. 100% khách hàng mua sản phẩm căn hộ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và đang sinh sống ổn định tại dự án...

Có thể bạn quan tâm

Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư

Chính thức thành lập thành phố Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình

Với vị trí địa lý thuận lợi và những giá trị di sản văn hóa độc đáo, “thành phố mới” Hoa Lư hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình…

VACOD-HBA vươn ra biển lớn, tạo “cơ hội vàng” cho cộng đồng doanh nghiệp

VACOD-HBA vươn ra biển lớn, tạo “cơ hội vàng” cho cộng đồng doanh nghiệp

Đoàn công tác VACOD-HBA vừa kết thúc chuyến công tác dài ngày hết sức thành công tại Nga. Chuyến đi không chỉ đơn thuần thắt chặt quan hệ giao lưu hữu nghị mà còn tiếp tục khẳng định quyết tâm của VACOD-HBA trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tại một cường quốc thế giới như Nga...