VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024: Khai thông tiềm năng hành lang kinh tế Đông - Tây

Sáng 18/10 tới đây, Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD sẽ tổ chức Hội nghị, Hội thảo quốc tế về xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024 với chủ đề VACOD - ĐIỆN BIÊN: TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI – HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI…

dscf3473-2226.jpg
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương phát biểu trong Chương trình "Bữa sáng Doanh nhân" do VACOD-HBA tổ chức

Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Hiệp hội VACOD phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức từ ngày 17-19/10/2024 tại tỉnh Điện Biên.

Trong khuôn khổ buổi hội thảo, các diễn giả là những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, đầu tư… sẽ trình bày những bài tham luận giá trị. Các bài tham luận sẽ đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của việc phát triển nguồn lực kinh tế tại tỉnh Điện Biên, từ việc xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, quảng bá hình ảnh và tiềm năng của tỉnh đến việc hỗ trợ các nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại trong nước và xuyên biên giới.

TÌM GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ CHO KINH TẾ VÙNG TÂY BẮC

Trong bài tham luận sẽ chia sẻ tại Hội nghị, Hội thảo quốc tế về xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, khu vực Tây Bắc có vị trí đặc biệt quan trọng, là “vùng phên dậu” của Tổ quốc, các nhiệm vụ phát triển kinh tế góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Bắc luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành. Từ đó, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển vùng Tây Bắc nhằm định hướng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này.

Trên cơ sở định hướng của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, quảng bá cho doanh nghiệp Việt, hàng Việt trên địa bàn cả nước, trong đó có các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc. Hoạt động cũng đạt nhiều kết quả tích cực: Góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội; thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước phục vụ người dân và xuất khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tại thị trường nội địa…

Về giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng và cơ hội phát triển, khai thác hiệu quả thị trường trong nước nói chung và khu vực Tây Bắc, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh nhiệm vụ nòng cốt là tiếp tục tập trung thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại, phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt, củng cố các doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng chỉ ra loạt định hướng cần tập trung áp dụng để khai thác những dư địa phát triển kinh tế của các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng khung khổ luật pháp, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh trên thị trường trong nước, thiết lập trật tự thị trường để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới; tái cơ cấu ngành thương mại trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế và khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị và các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực;

Cơ quan quản lý cần tập trung khai thác có hiệu quả thị trường trong nước với quy mô dân số và thu nhập đang ngày càng tăng lên; xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ; phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại trong nước; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp;

Đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ và đẩy mạnh liên kết trong toàn chuỗi cung ứng; tiếp tục hỗ trợ hình thành các tập đoàn/doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối; Tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng và thực hiện các chính sách để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp; đặc biệt cần đổi mới quản lý nhà nước đối với thương mại trong nước theo hướng tôn trọng quy tắc vận hành của thị trường. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

ĐIỆN BIÊN ĐÓNG VAI TRÒ CẦU NỐI HÀNH LANG KINH TẾ VIỆT NAM – LÀO

Trong các tỉnh nằm ở khu vực Tây Bắc, Điện Biên được đánh giá là cầu nối quan trọng trên hành lang kinh tế Đông-Tây, kết nối Việt Nam và Lào. Tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng phát triển to lớn, từ tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng đến nguồn nhân lực dồi dào. Đây là những lợi thế giúp Điện Biên trở thành trung tâm kinh tế mới, thúc đẩy hợp tác giao lưu giữa hai nước. Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam – Lào đã đạt nhiều kết quả đáng mong đợi.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng trị giá xuất nhập khẩu song phương Việt Nam - Lào trong năm 2023 đạt trên 1,6 tỷ USD. So với tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào thì xuất nhập khẩu theo phương thức thương mại biên giới đất liền sang thị trường này trong năm 2023 chiếm 96,06% tỷ trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào đạt 2,39 tỷ USD, có dấu hiệu sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023.

bien-gioi-viet-lao-8435.jpg
Cần tận dụng cơ hội khai thác tiềm năng vùng hành lang kinh tế Việt Nam - Lào

Riêng hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đã góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ, cũng như phát triển kết nối kinh tế giữa hai nước bền vững, lâu dài, giúp tăng cường hoạt động thương mại song phương Việt Nam – Lào. Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Công Thương cũng đặt kỳ vọng, với nỗ lực và tinh thần quyết tâm, những khó khăn to lớn trong hợp tác giữa hai bên đã được giải quyết kịp thời, hợp tác giữa Việt Nam với Lào nói chung, hợp tác thương mại giữa các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào.

Trong đó có tỉnh Điện Biên với các tỉnh biên giới của Lào sẽ gặt hái được nhiều thành công, đóng góp thiết thực cho quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước không ngừng phát triển đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện, phát triển bền vững, thúc đẩy thương mại biên giới giữa hai nước, trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.

Để đạt những mục tiêu trong hoạt động thương mại biên giới, phát huy hết tiềm năng của các tỉnh biên giới, Bộ Công Thương định hướng phát triển trong thời gian tới cần triển khai theo hướng: Hai bên tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư hạ tầng thương mại biên giới tại cửa khẩu biên giới, ưu tiên hỗ trợ kinh phí tổ chức các Diễn đàn, Hội nghị, Hội chợ, Triển lãm phát triển thương mại biên giới trong đó bao gồm cả hạ tầng thương mại biên giới;

Thứ hai, hai nước tiếp tục phối hợp thực hiện việc kiểm tra định kỳ việc thực hiện các văn kiện đã ký kết. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Thoả thuận Hà Nội năm 2007 cho phù hợp với mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước nói riêng và phù hợp thông lệ quốc tế nói chung; đặc biệt hai bên cần tạo thuận lợi cho hàng hóa của mỗi nước lưu thông, tiêu thụ tại thị trường của nhau, đặc biệt là hàng nông sản, phối hợp ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giữa hai nước tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển.

Điện Biên có vị trí đặc biệt quan trọng với đường biên giới dài, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); phía Nam và phía Tây giáp Lào. Tại Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định, tỉnh Điện Biên phát triển theo mô hình cấu trúc không gian: 4 trục động lực - 3 vùng kinh tế - 4 cực tăng trưởng.

Trong đó, trục động lực là tuyến giao thông kết nối với các tỉnh lân cận và nước bạn Lào. Trục kinh tế này là động lực phát triển kinh tế toàn tỉnh mà trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp chế biến; tác động trực tiếp đến không gian phát triển của huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

Xem thêm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: "Doanh nhân là người lính thời bình, chiến đấu kiên cường trên mặt trận kinh tế"

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: "Doanh nhân là người lính thời bình, chiến đấu kiên cường trên mặt trận kinh tế"

Chủ trì chương trình “Bữa sáng Doanh nhân” diễn ra đúng dịp kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, TS Nguyễn Hồng Sơn đã có những chia sẻ sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới một Việt Nam hùng cường trong kỷ nguyên mới...

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…