Thực phẩm đua nhau tăng giá dịp cận Tết, bưởi đỏ Đông Cao gần như “cháy hàng”

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, các mặt hàng thực phẩm trong nước đang đua nhau tăng giá. Trong đó, có những mặt hàng dù tăng giá nhưng lượng cung vẫn khan hiếm do được nhiều người săn đón…

Thực phẩm đua nhau tăng giá dịp cận Tết
Thực phẩm đua nhau tăng giá dịp cận Tết

Thông thường, cận Tết Nguyên đán luôn là thời điểm các mặt hàng tăng giá. Năm nay, giá các mặt hàng thực phẩm, hoa quả, thủy sản đều ghi nhận tăng giá. Thậm chí, một số mặt hàng không những tăng giá mà còn khan hiếm về nguồn cung do nhu cầu tăng cao.

Sắp đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn có xu hướng ngày càng tăng cao, giá thịt lợn cũng nhích dần từng ngày. Mức tăng giá tùy các vùng miền và loại lợn có sự chênh lệch lớn, nhưng nhìn chung đã có biến chuyển tích cực hơn ở thời điểm cận Tết Nguyên Đán.

Trong khoảng 5 ngày trở lại đây, giá lợn hơi tăng rõ rệt. Trong đó, ngày 16/1, giá lợn hơi trong nước ghi nhận bật tăng mạnh lên 4.000 đồng/kg. Những ngày tiếp theo, mức giá thu mua lợn tăng đều 1.000 – 2.000 đồng/kg.

Sau các phiên tăng giá đều đặn, giá lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 56.000 – 57.000 đồng/kg, miền Trung là 51.000 – 56.000 đồng/kg và miền Nam là 50.000 – 54.000 đồng/kg. Hà Nội hiện là địa phương có mức giá lợn hơi cao nhất cả nước với 58.000 đồng/kg.

Mức giá lợn hơi tại miền Trung và miền Nam tăng chậm hơn so với miền Bắc do nguồn lợn hơi tại khu vực này nhiều hơn, lợn nhập lậu từ Campuchia về nhiều cạnh tranh với lợn trong nước.

Với thủy sản, những ngày gần đây, giá cá kèo thương phẩm được các thương lái thu mua tại Cà Mau tăng do nhu cầu thị trường cận Tết tăng cao. Cụ thể, ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành (Cà Mau) cho biết, khoảng một tuần nay, giá cá kèo thương phẩm tăng từ 100.000 đồng lên 150.000 đồng/kg (loại 40 con/kg) do lượng cá năm nay ít, trong khi thương lái tập trung mua nhiều để phục vụ nhu cầu làm khô bán Tết.

Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 50 hộ nuôi cá kèo với diện tích khoảng 40 ha. Trong đó, xã Tân Thành có diện tích lớn nhất với hơn 40 hộ nuôi, diện tích hơn 25 ha. Thông thường, với giá bán 90.000 - 100.000 đồng/kg, cứ 1.000 m2 nuôi, nông dân thu lãi 40 - 50 triệu đồng.

Bên cạnh cá kèo, giá cua biển ở Cà Mau và Bạc Liêu hiện được thu mua với giá khá cao. Cụ thể, cua gạch loại 1 được thu mua với giá 600.000 đồng/kg, cua gạch loại 2 là 450.000 đồng/kg, cua y loại 1 có giá từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, cua y tứ (loại 4 con/kg) là 180.000 – 200.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của người dân và các thương lái địa phương, nhu cầu cua vẫn đang rất cao, nguồn cua không đủ cung ứng cho thị trường. Dự báo, giá cua sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới và có thể lên đến 800.000 – 900.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng hoa quả, bưởi đỏ Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) hiện đã gần như “cháy hàng”. Theo đó, bưởi đỏ Đông Cao (còn được gọi là bưởi đỏ tiến vua) có giá cao hơn so với các loại bưởi thông thường.

Điều đặc biệt của loại bưởi này chính là được tạo hình chữ tài - lộc với hai loại bưởi là bánh men và trái nũm. Quá trình tạo hình bưởi được thực hiện từ lúc quả còn non, đòi hỏi sự kỳ công và độc đáo từ người trồng.

buoi-tien-vua-3585.jpg
Bưởi đỏ Đông Cao

Theo ông Lương Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao, những năm trước, giá bán sỉ tại vườn bưởi đỏ tạo hình Tài - Lộc dao động từ 280.000 – 350.000 đồng/quả. Năm nay, giá không thay đổi nhưng quả bưởi đỏ đẹp, bắt mắt, nặng cân sẽ có giá bán trung bình từ 330.000 – 350.000 đồng/quả.

Dù giá bán đắt đỏ nhưng thu hoạch ở thời điểm cận Tết Nguyên đán luôn luôn không đủ hàng để bán. Thời điểm này, hơn 1.000 quả bưởi đỏ tạo hình Tài - Lộc ở vườn ông Phương đều đã có chủ.

Ngoài ra, mặt hàng dừa dát vàng cũng được nhiều người săn đón. Không chỉ dát vàng, càng ngày trái dừa càng được trang trí cầu kỳ như gắn thêm chữ nổi 3D, hoa mai, phụ kiện lên cuống.

dua-dat-vang-9982.jpg
Dừa dát vàng

Giá của mỗi trái dừa dát vàng dao động từ 200.000 - 300.000 đồng, thường được bán theo cặp với giá từ 450.000 - 600.000 đồng. Đắt nhất là cặp dừa trang trí hình rồng cách điệu chữ “tài lộc”, đính thêm nhiều loại hoa, lông công, trái châu... với giá 1 triệu đồng.

Công đoạn để tạo ra dừa dát vàng rất công phu. Đầu tiên, quét keo lên dừa và để khoảng 40 – 45 phút cho keo khô, sau đó dát vàng lên. Khi dát vàng xong, lấy cọ chuyên dùng để quét đều lá vàng và khâu cuối là trang trí theo mẫu tự thiết kế. Mất 1 - 2 giờ để hoàn thành 1 cặp dừa dát vàng.

Xem thêm

Câu chuyện thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn luôn là bài toàn khó giải quyết

Bất chấp truy quét, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn tìm cách “vượt biên” vào Việt Nam

Nhiều năm qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm luôn là bài toán khó cho cơ quan quản lý cả nước. Mặc dù cơ quan chức năng tích cực ra quân thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh truy quét nhưng tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại, là mối đe dọa thường trực của người tiêu dùng…

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng thế giới lấy lại mốc 2.500 USD

Giá vàng thế giới lấy lại mốc 2.500 USD

Vàng thế giới có xu hướng tăng nhẹ khi giới đầu tư chờ đón một quyết định chính sách ôn hoà của Fed. Trong nước, giá vàng miếng SJC “bất động” ở phiên thứ 5 liên tiếp…

Vàng miếng bất ngờ giảm nửa triệu đồng/lượng

Vàng miếng bất ngờ giảm nửa triệu đồng/lượng

Sau nhiều phiên "bất động", giá vàng miếng trong nước đột ngột điều chỉnh giảm mạnh. Trên thị trường quốc tế, giá đảo chiều tăng nhẹ sau khi đồng USD suy yếu do báo cáo việc làm không như mong đợi....