Thực phẩm không rõ nguồn gốc luôn là nỗi lo của người tiêu dùng bởi có không ít vụ việc thực phẩm không rõ nguồn gốc bị phát hiện và xử lý. Mặc dù các lực lượng chức năng tuyến biên giới đã tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn thực phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc nhập lậu qua biên giới, nhưng bằng cách nào đó các mặt hàng này vẫn “tuồn” vào nội địa gây nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
KHÔNG CÒN LÀ CÂU CHUYỆN CŨ
Câu chuyện thực phẩm không rõ nguồn gốc không phải được đặt ra ở một năm cụ thể nào mà là câu chuyện được bàn luận thường xuyên.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2023, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ. Lực lượng chức năng đã thu phạt trên 36,3 tỷ đồng, trị giá hàng hoá tịch thu 31,6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
Điển hình, mới đây, Công an xã Xuân Canh (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) vừa phát hiện và tạm giữ 1,2 tấn nội tại động vật (tràng lợn) không rõ nguồn gốc xuất xứ, được đựng trong các thùng xốp có chữ nước ngoài.
Theo đó, trưa ngày 4/1, tổ công tác Công an xã Xuân Canh làm nhiệm vụ tại khu vực thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh thì phát hiện anh N.V.T (sinh năm 1983) đang vận chuyển, bốc dỡ một số thùng hàng từ xe ô tô BKS 89D-011.76 vào nhà dân trong thôn Xuân Trạch.
Các thùng hàng này phát ra mùi thực phẩm sống tanh hôi nên tổ công tác công an xã Xuân Canh đã tiến hành kiểm tra, xác minh. Tại thời điểm kiểm tra, anh T. không xuất trình các hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Anh T. khai nhận, các thùng xốp chứa nội tạng động vật (tràng lợn), được thu mua, gom từ nhiều nguồn để mang bán kiếm lời và số hàng hóa này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tiến hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện nội tạng động vật đóng trong các thùng hộp carton màu xanh có chữ nước ngoài. Thực phẩm đều đang ngả màu bốc mùi, toàn bộ đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, với tổng khối lượng cả trên xe và trong kho là 1.246kg.
Hay như ngày 20/12/2023, phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện một kho hàng hóa thực phẩm là thịt lợn và bò xuất nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Theo đó, tổ công tác đã khám xét tại kho hàng hóa thực phẩm thịt lợn và bò xuất nhập khẩu tại tại thôn Xuân Lai (xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) do bà Hồ Thị Nhiên (sinh năm 1993) làm chủ.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại kho hàng có lưu trữ hơn 1 tấn thực phẩm gồm trứng gà non, giò lợn, ba chỉ rút xương, xương cùi bò, bắp bò, bắp trâu, lõi bò… có dấu hiệu vi phạm.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chưa cung cấp được các giấy tờ liên quan về kinh doanh loại hàng hóa này.
Tại cơ quan công an, bà Nhiên khai nhận số hàng hóa trên có nguồn gốc từ Nga, Ấn Độ nhưng không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Số thực phẩm này, bà Nhiên bán lẻ cho các khách hàng là quán ăn, nhà hàng, dịch vụ đám cưới.
TẠI SAO VẪN “TUỒN” ĐƯỢC VÀO THỊ TRƯỜNG?
Những vụ việc kể trên chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ việc kiểm tra, phát hiện về thực phẩm mà lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý trong năm 2023. Con số này rất đáng báo động bởi vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng.
Chỉ ra nguyên nhân gia tăng các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê cho biết, trước đây, các tổ chức, cá nhân sử dụng đường mòn, lối mở trên biên giới phía Bắc để vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc là chưa được phép lưu hành để đưa vào tiêu thụ trong lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay, đường mòn, lối mở bị ngăn chặn, các đối tượng chuyển hàng hóa nhập lậu qua biên giới phía Nam, đặc biệt là phía Tây Nam và một số cửa khẩu ở miền Trung sau đó đưa ngược ra phía Bắc tiêu thụ.
Có thể thấy, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được vận chuyển vào nội địa nhiều nhất qua đường bộ. Từ các tỉnh giáp biên giới, hàng lậu được đưa vào tiêu thụ sâu trong nội địa nếu không được ngăn chặn kịp thời. Điều đáng nói, tình trạng này tái diễn hằng năm, song đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Theo ông Lê, quản lý thị trường xác định việc đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm bẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, Tết Nguyên đán sắp tới nên lực lượng sẽ tăng cường quản lý địa bàn, nắm tình hình nhanh chóng, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn.
Đồng thời, kết hợp với lực lượng khác trên địa bàn để tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm pháp, đảm bảo cho người dân được sử dụng sản phẩm an toàn.
Bên cạnh hoạt động chuyên môn thanh kiểm tra, xử lý, lực lượng quản lý thị trường cũng kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân; vận động người dân không tham gia tiếp tay, vận chuyển và tích cực tố giác các hành vi buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn.
Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, việc đưa thực phẩm bẩn ra thị trường để tiêu thụ có nguyên nhân lớn từ những người sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả. Do đó, cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc đối với hành vi này để đủ sức răn đe, không để tái diễn.
Thực tế, hiện các chế tài xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm đã có từ nhiều năm nay. Cụ thể, tại nghị định số 115/2018/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi nghị định 124/2021/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Theo đó, tùy từng hành vi cụ thể của đối tượng vi phạm sẽ phải chịu mức xử phạt khác nhau tùy thuộc vào giá trị thực phẩm vi phạm. Thông thường mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức hoặc mức phạt tối đa được áp dụng bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.
Đối với các trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm như sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy; sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm… mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 317 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.