Thuế nhập khẩu E100 sẽ không thấp!

Với “sứ mệnh” làm sao để “giá nhập khẩu E100 phải cao hơn giá bán E100 sản xuất trong nước”, nhưng “giá xăng E5 phải thấp hơn giá xăng khoáng”, đồng thời “doanh nghiệp sản xuất E100 có mức lãi ít nhất
Thuế nhập khẩu E100 sẽ không thấp!

Thuế phải giúp E100 nhập khẩu giá cao hơn giá sản xuất trong nước

Hiện nay, việc cung cấp E100 để phối trộn xăng sinh học E5 chủ yếu từ 2 nhà máy nhiên liệu sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm với công suất thiết kế 200.000m³/năm, đủ để phối trộn được khoảng 4 triệu m³ xăng E5. Thực tế, hiện 2 nhà máy này chỉ chạy 30% công suất.

Trong phương án tính toán cho lộ trình xóa sổ RON92 truyền thống, Bộ Công Thương có tính đến việc tái khởi động 2 nhà máy sản xuất ethanol tại Dung Quất và Bình Phước (đều với công suất thiết kế 100.000m³/năm), nhưng đến nay 2 nhà máy đó vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ được tái khởi động thành công.

Theo Bộ Tài chính, năm 2017, nhu cầu xăng RON92 khoảng 5,03 triệu m³, xăng E5 là 757.000 m3. Với tăng trưởng nhu cầu xăng hằng năm khoảng 7%, và từ 1-1-2018 sẽ thay thế hoàn toàn xăng RON92 bằng E5, từ năm 2019 trở đi sẽ thay thế hoàn toàn bằng E10 thì nhu cầu xăng E5 vào năm 2018 khoảng 6,2 triệu m³, nhu cầu xăng E10 cho năm 2019 là 6,6 triệu m³. Theo đó, nhu cầu E100 để phối trộn cho 2018 là 311.370m³ và năm 2019 là 666.331m³.

Trong trường hợp thuận lợi nhất - 2 nhà máy tại Dung Quất và Bình Phước có thể quay trở lại hoạt động với công suất tối đa và 2 nhà máy của Công ty Tùng Lâm cũng hoạt động tối đa, thì nguồn cung E100 trong năm 2018 là đủ. Tuy nhiên, sang năm 2019 sẽ thiếu khoảng 200.000m³ và năm 2020 thiếu khoảng 300.000m³. Trường hợp 2 nhà máy tại Dung Quất và Bình Phước tái khởi động không thành công, thì ngay trong năm 2018 đã thiếu 111.370m³ E100. Nguồn thiếu hụt này đương nhiên phải bù đắp bằng nguồn nhập khẩu.

Theo Bộ Tài chính, dự kiến nguồn nhập chủ yếu sẽ từ Mỹ hoặc Brazil với mức thuế nhập khẩu MFN là 20%, vì nguồn cung từ châu Á như Thái Lan và Trung Quốc là không có (E100 của các nước này được sử dụng hết cho nhu cầu trong nước, không cho xuất khẩu).

Bài toán đặt ra hiện nay là mức thuế nhập khẩu cho E100 sẽ là bao nhiêu. Nếu chỉ vì người tiêu dùng và mục tiêu khuyến khích người dân sử dụng E5, bài toán sẽ rất đơn giản, cứ áp một mức thuế thấp. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp hơn khi Bộ Tài chính lại cho rằng “việc duy trì chính sách thuế nhập khẩu đối với E100 để bảo hộ và khuyến khích sản xuất trong nước là cần thiết, nhất là đối với 2 nhà máy Dung Quất và Bình Phước”.

“Nếu 2 nhà máy này hoạt động trở lại được thì cần có chính sách để sản phẩm của 2 nhà máy này và các nhà máy sản xuất E100 trong nước cạnh tranh đối với E100 nhập khẩu”. Do đó, mức thuế suất MFN đối với E100 phải bảo đảm “giá nhập khẩu E100 phải cao hơn giá bán E100 sản xuất trong nước và giá xăng E5 phải thấp hơn giá xăng RON95”. Đây là quan điểm đã được Bộ Tài chính xác định.

Áp thuế 17% đối với E100 nhập khẩu

Hiện nay, giá E100 được đưa vào công thức tính giá cơ sở là 13.763 đồng/lít, đúng mức giá bán ra của Công ty Tùng Lâm, nghĩa là công ty bán bao nhiêu thì người tiêu dùng phải chịu mức đó (vì hiện họ là người bán E100 duy nhất).

Theo thông tin của Công ty Tùng Lâm, giá thành E100 của công ty này đang ở mức 13.044 đồng/lít. Cụ thể, với nguyên liệu sản xuất là sắn lát khô, với tỷ lệ 2,28kg sắn/lít E100, giá nguyên liệu đã là 8.778 đồng (sắn giao tại cổng nhà máy là 3.850 đồng/kg), tổng chi phí sản xuất là 11.557 đồng/lít, chi phí quản lý là 200 đồng/lít; khấu hao, lãi vay là 1.230 đồng/lít, ra giá thành sản xuất tại nhà máy là 12.987 đồng/lít (ở nhiệt độ 20 độ C). Tuy nhiên, để bán cho các doanh nghiệp phối trộn xăng E5 thì phải quy đổi ở nhiệt độ 15 độ C, nên giá thành đội lên 13.044 đồng/lít. Giá bán E100 giao tại cổng nhà máy của doanh nghiệp phối trộn xăng E5 là 13.763 đồng/lít, đã bao gồm cả phí vận chuyển. Với mức giá này, Công ty Tùng Lâm có lãi từ 156 đồng/lít.

Giá E100 trên thị trường thế giới tất nhiên rẻ hơn mức giá sản xuất trong nước nhiều, vì công nghệ của họ tiên tiến hơn, cũng như nguyên liệu đầu vào giá thấp hơn. Bộ Tài chính trích nguồn tin của PVoil và Petrolimex cho biết: Giá E100 (giá FOB) trung bình từ 3-7 – 21-7-2017 tại thị trường Mỹ là 394 USD/m³ và tại Brazil là 502 USD/m³. Các chi phí liên quan gồm (cước vận tải, bảo hiểm...) khoảng 150 USD/chuyến (mỗi chuyến chở khoảng 3.000m³ E100). Như vậy, với tỷ giá 22.765 VND/USD, giá E100 nhập từ Mỹ về Việt Nam khoảng xung quanh 9.000 đồng/lít và từ Brazil khoảng 11.500 đồng/lít, chưa bao gồm thuế.

Tuy giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thành E100 sản xuất trong nước, nhưng nếu đánh thuế nhập khẩu 20% như hiện nay, thì tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, giá E100 nhập khẩu về Việt Nam là 14.849 đồng/lít, cao hơn giá mua trong nước là 1.086 đồng.

Nếu Chính phủ sửa đổi Nghị định 83/2014 theo hướng bỏ quỹ bình ổn giá thì giá xăng E5 vẫn luôn cao hơn giá xăng RON92 và chỉ thấp hơn xăng RON95, kể cả ở phương án thuế E100 là 15% và 17%. Nếu từ 1-7-2018, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5, E10 áp dụng theo mức thuế mới (bằng 80% và 70% mức thuế xăng RON92/RON95), tức là những gì Bộ Tài chính viết trong dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội đồng ý thông qua trong kỳ họp thứ 4 này, thì giá xăng E5 sẽ thấp hơn giá xăng RON92/RON95.

Để vừa bảo đảm nguyên tắc “giá nhập khẩu E100 phải cao hơn giá bán E100 sản xuất trong nước” và “giá xăng E5 phải thấp hơn giá xăng khoáng” đồng thời “doanh nghiệp sản xuất E100 có mức lãi (ít nhất bằng mức như hiện nay là 156 đồng/lít)”, Bộ Tài chính dự kiến xem xét điều chỉnh giảm mức thuế đối với E100 từ 20% xuống 17%. Với mức thuế suất này cộng thêm mức thuế bảo vệ môi trường được sẽ giảm từ 1-7-2018, giá xăng E5 sẽ thấp hơn giá xăng RON 95 từ 1.345 đến 1.495 đồng/lít; giá xăng E10 sẽ thấp hơn giá xăng RON95 từ 1.484 đến 1.634 đồng/lít, tùy thuộc vào tiêu chuẩn của xăng RON95 mức 2, mức 3 hoặc mức 4.

Theo Vũ Hân/Công an nhân dân

cand.com.vn/Thi-truong/Thue-nhap-khau-E100-se-khon http://cand.com.vn/Thi-truong/Thue-nhap-khau-E100-se-khong-thap-456619/

Có thể bạn quan tâm