Thuế quan và dữ liệu sản xuất gây lo ngại, chứng khoán Mỹ lao dốc

Các chỉ số chính của Phố Wall giảm mạnh vào phiên 3/3 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với Canada và Mexico…

Thuế quan và dữ liệu sản xuất gây lo ngại, chứng khoán Mỹ lao dốc

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Dow Jones giảm 649,67 điểm (-1,48%) thành 43.191,24 điểm, S&P 500 mất 104,78 điểm (-1,76%) còn 5.849,72 điểm, trong khi Nasdaq Composite trượt 497,09 điểm (-2,64%) xuống 18.350,19 điểm.

S&P 500 ghi nhận mức giảm phần trăm trong ngày lớn nhất kể từ 18/12/2024.

Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, công nghệ có diễn biến ảm đảm nhất với cổ phiếu Nvidia lao dốc 8,7%, Amazon mất 3,4%. Trong khi đó, các ngành phòng thủ như bất động sản, y tế, tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu tăng điểm.

Ở các diễn biến riêng lẻ khác, cổ phiếu Tesla đảo chiều giảm 2,84% bất chấp việc Morgan Stanley đánh giá đây là cổ phiếu ô tô hàng đầu tại Mỹ. Intel cũng xóa sạch mức tăng đầu phiên và giảm tới 4% sau khi có thông tin Nvidia và Broadcom đang thử nghiệm sản xuất chip.

Từ đầu phiên, Phố Wall đã rơi vào trạng thái bất ổn khi báo cáo ISM được công bố. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất tháng 2 giảm xuống 50,3 điểm so với mốc 50,9 điểm hồi tháng 1. Trong khi đó, chỉ số đơn đặt hàng mới, một chỉ báo quan trọng về triển vọng sản xuất, rớt mạnh từ 55,1 xuống 48,6 điểm.

“Chuỗi dữ liệu kinh tế tiêu cực đã lấn át sự lạc quan về mùa báo cáo lợi nhuận quý 4 khá tốt”, ông James St. Aubin, Giám đốc đầu tư tại Ocean Park Asset Management chỉ ra.

Đà giảm trên thị trường càng trầm trọng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận rằng mức thuế 25% sẽ có hiệu lực từ 4/3, trong khi đó, Canada và Mexico cũng sẽ đáp trả bằng thuế quan kể từ ngày 2/4.

“Nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có một thỏa thuận vào phút chót để trì hoãn thuế quan nhưng lần này điều đó đã không xảy ra. Thị trường nay phải chấp nhận thực tế và những con số đỏ rực đã bao trùm thị trường”, ông Jamie Cox, Giám đốc điều hành tại Harris Financial Group nhận xét.

Chính quyền Trump cũng dự kiến sẽ nâng thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 20%, trừ khi Bắc Kinh chấm dứt hoạt động buôn lậu fentanyl vào Mỹ. Cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề, với Nio giảm 8,6% và JD.com mất gần 4%.

Cùng với đó, những báo cáo gần đây về nhu cầu tiêu dùng suy yếu làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế và lạm phát cao. Lạm phát dai dẳng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn với việc cắt giảm lãi suất.

Tuy nhiên, một số dữ liệu về việc làm và hoạt động kinh doanh tại Mỹ có thể ảnh hưởng đến quan điểm của Fed. Hiện các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất hai lần (mỗi lần 0,25 điểm phần trăm) trước tháng 12, theo dữ liệu từ LSEG.

Chỉ số biến động CBOE (VIX), hay còn gọi là “thước đo nỗi sợ hãi” của Phố Wall, tăng vọt lên 24,31 điểm, mức cao nhất kể từ 20/12/2024.

GIÁ DẦU CHẠM MỨC THẤP NHẤT TRONG 3 THÁNG

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm khoảng 2% do lo ngại OPEC+ sẽ tăng sản lượng dầu và thuế quan của Mỹ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,19 USD, tương đương 1,6%, xuống còn 71,62 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,39 USD, tương đương 2,0%, xuống 68,37 USD/thùng.

Đây là mức đóng cửa thấp nhất của Brent kể từ 6/12 và của WTI kể từ 9/12/2024.

“Dầu đang chịu áp lực từ nhiều phía và dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ tin tức tiêu cực nào”, ông Bob Yawger, Giám đốc giao dịch năng lượng tại Mizuho cho biết. Ông nhấn mạnh vào các yếu tố như quyết định của OPEC+, dữ liệu kinh tế của Mỹ, thuế quan, tiến trình đàm phán hòa bình Nga - Ukraine.

OPEC+ (gồm OPEC và các đối tác như Nga) quyết định vẫn sẽ tiến hành kế hoạch tăng sản lượng dầu vào tháng 4, theo ba nguồn tin tiết lộ với Reuters.

Trong khi đó, Mỹ đang có kế hoạch nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Nga, trong bối cảnh ông Donald Trump muốn cải thiện quan hệ với Moscow và thúc đẩy hòa bình tại Ukraine. Nga hiện là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Ả Rập Xê Út.

Các nhà phân tích còn cảnh báo rằng kế hoạch thuế quan mới của Mỹ có thể làm gia tăng lạm phát, buộc Fed phải duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

VN-Index đối mặt ngưỡng kháng cự quan trọng

VN-Index đối mặt ngưỡng kháng cự quan trọng

VN-Index đối mặt áp lực bán mạnh sau chuỗi tăng dài, kiểm định vùng kháng cự quan trọng. Thị trường phân hóa, một số nhóm cổ phiếu hấp dẫn trở lại, nhà đầu tư cần chọn lọc kỹ lưỡng...

“Binh pháp” thoát vây, vượt bão của các ông lớn ngành thép năm 2025

“Binh pháp” thoát vây, vượt bão của các ông lớn ngành thép năm 2025

Các doanh nghiệp thép lớn Việt Nam bước vào năm 2025 với tâm thế phòng thủ, đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng trước áp lực cạnh tranh và thị trường bấp bênh. Dù kỳ vọng phục hồi, nhưng rào cản thương mại, giá nguyên liệu biến động và nhu cầu suy yếu vẫn là thách thức lớn cho toàn ngành...

Cơn sốt đầu tư: Những "cỗ máy in tiền" đánh bại vàng

Cơn sốt đầu tư: Những "cỗ máy in tiền" đánh bại vàng

Bước sang năm 2025, giá vàng chứng kiến một cơn sốt mới khi tăng tới 17%, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán Việt Nam, các mã cổ phiếu thuộc nhóm khoáng sản, năng lượng lại trở thành ngôi sao thực sự, vượt xa lãi suất của vàng với mức tăng kỷ lục...