Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Chiều 11/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn về nội dung trong lĩnh vực ngân hàng. Làm rõ, giải trình một số vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, chính sách tiền tệ và tài khóa chính là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, khi nền kinh tế tăng hay giảm sẽ liên quan trực tiếp, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ngân sách của nhà nước và việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong thời gian qua rất tốt, hợp lý. Chính sách tiền tệ đã điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả; chính sách tài khóa được thực hiện mở rộng và hợp lý nên kết quả đạt được trong thời gian qua tốt, vượt thu ngân sách tăng cao, năm sau cao hơn năm trước.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, để thực hiện chính sách tiền tệ, cơ quan quản lý đã giảm thuế cho các doanh nghiệp và người dân gần 800 nghìn tỷ; nhờ đó có thể giữ được tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng Việt Nam; xử lý được hai ngân hàng 0 đồng.

"Chúng ta chuẩn bị xử lý tiếp ngân hàng 0 đồng nữa, ổn định hệ thống và phục hồi cho nền kinh tế rất tốt", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhờ đó, năm nay GDP ước đạt gần 7%, CPI khoảng gần 4%. Thu ngân sách đã đạt 99,4% so với dự toán Quốc hội giao và 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, thu ngân sách tăng 255.216 tỷ đồng so với năm trước, tức là năm nay có thể vượt năm ngoái 300.000 tỷ đồng. Số này dùng để đầu tư hạ tầng cơ sở như đường cao tốc và các công trình khác.

Hệ thống ngân hàng có 3 ngân hàng được đưa vào diện bắt buộc mua lại 0 đồng, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Một ngân hàng kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongABank). Giữa tháng 10/2024, CBBank và OceanBank được chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân Đội (MB).

Trong phạm vi trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc “chia lửa” cùng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nội dung quản lý hóa đơn vàng và thị trường vàng. Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, đối với việc quản lý hóa đơn vàng, thực hiện Nghị định 123 ngày 9/10/2020 của Chính phủ và Thông tư 78 ngày 2/5/2003, Bộ Tài chính thường xuyên chỉ đạo cơ quan thuế phát hành 5 văn bản để hướng dẫn kê khai và nộp thuế, nên việc quản lý hóa đơn của doanh nghiệp bán vàng, các cửa hàng bán vàng không có vấn đề khó khăn và vướng mắc.

Về chất vấn của đại biểu, liên quan đến vấn đề xử lý, có một số đoàn quản lý thị trường kiểm tra và tạm đình chỉ vì không chứng minh được nguồn nguyên liệu. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cơ quan chức năng chỉ xử lý khi phát hiện vàng lậu; nếu không chứng minh được vàng lậu thì không có quyền xử lý các cửa hàng vàng.

Đối với vấn đề quản lý giá vàng được đại biểu đặc biệt quan tâm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, có tình trạng vàng miếng SJC tăng 18 triệu/lượng (tăng 25% so với giá vàng thế giới), nguyên nhân là giá vàng thế giới cao, do tâm lý, cầu tăng cao, bất động sản đóng băng, sản xuất kinh doanh khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rủi ro… vàng trở thành nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi.

Về giải pháp sắp tới, Chính phủ chỉ đạo thực hiện mua bán đúng pháp luật, minh bạch; áp dụng công nghệ thông tin để quản lý các cửa hàng và công ty. Đồng thời, tiếp tục chống buôn lậu mạnh mẽ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thị trường vốn phát triển.

Có thể bạn quan tâm