Giá thịt tại Trung Quốc giảm liên tiếp
Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại Trung Quốc yếu, kèm theo chính sách kiểm soát chặt cửa khẩu, nên không thể trông chờ đầu ra cho thịt lợn bằng con đường xuất khẩu tiểu ngạch từ nay đến cuối năm.
Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với mặt hàng thịt lợn của Việt Nam đang đà giảm giá khá mạnh kể từ đầu năm đến nay. Dự báo, tình hình xuống giá còn tiếp diễn trong nửa cuối năm 2017.
Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) cho hay, theo thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc, từ sau Tết Nguyên đán, giá thịt lợn tại Trung Quốc đã giảm 5 tháng liên tiếp. Bình quân giá bán buôn thịt lợn tại 36 thành phố lớn tại Trung Quốc hiện chỉ còn khoảng 74.000 VND/kg, giảm 10,2% so với cùng kỳ 2016. Đáng lưu ý, giá thịt lợn cuối tháng 6 hạ xuống 67.244 VND/kg, giảm 14,5% so với đầu năm 2017 và giảm 19,4% so với cùng kỳ 2016.
Đánh giá việc giá thịt lợn giảm, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nguyên nhân chính là do lượng cung thịt lợn ra thị trường tăng cao. Nửa đầu năm 2017, tổng sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đạt 24,93 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, việc giá thức ăn gia súc giảm và sản phẩm thay thế thịt lợn xuất hiện ngày càng nhiều cũng là nguyên nhân khiến giá thịt lợn tại Trung Quốc giảm.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cơ hội để xuất khẩu thịt lợn, kể cả tiểu ngạch sang Trung Quốc ngày càng khó, do nước này hạn chế nhập khẩu lợn sống. Do đó, cửa tiêu thụ thịt lợn bằng đường xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng hẹp, người chăn nuôi cần hết sức cẩn trọng với việc tăng đàn.
Khuyến cáo này cũng hoàn toàn trùng khớp với đánh giá xu hướng giá thịt lợn trong 6 tháng cuối năm 2017, khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, do số lượng lợn chưa xuất chuồng tăng, nên dự kiến sản lượng thịt lợn cũng sẽ tiếp tục tăng theo, giá thịt lợn vẫn sẽ tiếp tục giảm.
Thị trường nội địa, kênh tiêu thụ chính yếu
Số liệu từ Cục Chăn nuôi tổng hợp sơ bộ từ các địa phương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tổng đàn lợn cả nước, bao gồm lợn nái và lợn thịt, đã giảm mạnh, hiện chỉ khoảng 27,2 triệu con.
Với số lượng đàn lợn như vậy đủ cho mức tiêu thụ trong nước, bởi theo tính toán của Cục Chăn nuôi, mỗi tháng cả nước tiêu thụ khoảng 300.000 tấn thịt lợn, kèm theo mức giá 34.000 - 40.000 đồng/kg như hiện tại thì người chăn nuôi đã đỡ hơn so với thời điểm xuống giá 22.000 - 28.000 đồng/kg như hồi đầu năm.
Như vậy, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn chưa mở cửa cho thịt lợn Việt Nam xuất khẩu theo đường chính ngạch, thì thị trường nội địa vẫn là kênh tiêu thụ chủ lực của ngành chăn nuôi lợn. Trong 3 ngày đầu tháng 8/2017, giá lợn ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa... vẫn ở mức 32.000 - 35.000 đồng/kg, tại một số tỉnh Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Vĩnh Long, giá trung bình từ 34.000 - 38.000 đồng/kg.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu thịt lợn chính ngạch.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh việc giải quyết đầu ra cho mặt hàng thịt lợn của người chăn nuôi đang là nhu cầu cấp thiết, thì việc thị trường Trung Quốc hay bất cứ thị trường nào có động thái thu mua thịt lợn đều là tín hiệu tốt. Nhưng điều quan trọng là phải xem xét kỹ tín hiệu đó có bền vững hay không.