Như vậy, để đạt được mục tiêu từ nay đến cuối năm, các ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng thêm 10 - 11%, tương đương bơm vốn ra thị trường thêm khoảng khoảng 600.000 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ - Luật sư (TS.LS) Bùi Quang Tín, thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Giám đốc sáng lập trường Doanh nhân BizLight, cho biết các năm trước, để tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng còn lại, thông thường các ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng thêm 6%. Nếu áp dụng như vậy, các ngân hàng chỉ có thể tăng trưởng đến 17 - 18% đến cuối năm.
“Trong khi đó, room tín dụng cho vay năm nay được nới lên 21 - 22%, nên để đạt được mục tiêu này, các ngân hàng hiện đang chạy đua hết tốc lực cho vay”, TS.LS Tín cho biết thêm.
Có thể thấy, tổng dư nợ tín dụng tại TP Hồ Chí Minh ước đến cuối tháng 9 đạt trên 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so cuối năm 2016 và tăng 19,58% so cùng kỳ. Theo Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, mức tăng trưởng tín dụng này cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước gần 3%. Phần lớn tín dụng này tập trung vào sản xuất kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù các chính sách kích thích tín dụng của NHNN đã thúc đẩy tiêu thụ vốn và nắn dòng tiền vào sản xuất kinh doanh nhưng sức hấp thụ của các doanh nghiệp (DN) lại có hạn.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nguyên nhân là tình hình giải quyết nợ xấu tại Việt Nam vẫn còn chậm và chất lượng tín dụng chưa cao. Mặt khác, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay không tốt vì phần lớn DN vừa và nhỏ vẫn còn khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng hoặc tiếp cận ở mức hạn chế, trong khi khối DN này chiếm hơn 95% trong tổng số DN tại Việt Nam.
“Việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tăng nhanh mà không kiểm soát chặt chất lượng tín dụng sẽ đi vào vết xe đổ trước đây là tăng nợ xấu, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả, trong đó có bất động sản”, ông Phạm Hồng Hải chia sẻ.
Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng cuối năm, TS.LS Bùi Quang Tín cho rằng cần làm 6 việc sau: Thứ nhất, các ngân hàng thương mại phải duy trì hoặc giảm lãi suất cho vay từ 0,2 - 0,5%, đặc biệt là đối với cho vay trung và dài hạn. Có như vậy, mới kích cầu nguồn vốn “bơm” ra thị trường, thúc đẩy việc tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu.
Thứ hai, các ngân hàng phải hỗ trợ cho vay đối với các DN có lịch sử kinh doanh tốt, phương án kinh doanh hiệu quả, có dòng tiền tốt… thông qua việc giải ngân, cấp thêm tín dụng cho DN, hay gia hạn nợ, cơ cấu nợ nếu các DN này đang gặp khó khăn trong chu kỳ sản xuất kinh doanh…
Thứ 3 là tăng room tín dụng cho các ngân hàng thương mại đang hoạt động hiệu quả và tỷ lệ nợ xấu thấp, ít rủi ro, cụ thể như các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VIB, ACB…
Hiện nay, room tín dụng của các ngân hàng đang gần cạn, thậm chí đụng trần, trong khi đó họ đang có nhiều khách hàng tốt nhưng khó tiếp tục đẩy mạnh cho vay như các hàng khác. Do đó, việc nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay, đồng thời giúp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt được.
Thứ 4, hạn chế tối đa việc chạy đua tăng lãi suất huy động và khuyến mãi dịp cuối năm để cạnh tranh. Vì nếu không làm thế sẽ khó có thể tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay cuối năm.
Thứ 5, NHNN tiếp tục hỗ trợ thanh khoản trên thị trường mở và tái cấp vốn khi cần thiết đối với các ngân hàng thương mại cho vay tốt, ít rủi ro và quản trị tốt.
Thứ 6, tiếp tục tìm kiếm các khách hàng tốt để cho vay, đặc biệt hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ. Bởi rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay có lịch sử vay tốt, kinh doanh tốt. Tuy nhiên, hiện nay họ không đủ tài sản thế chấp để có thể tiếp tục vay vốn; hoặc báo cáo tài chính, hồ sơ tài chính của họ không đủ như các doanh nghiệp lớn, nên các ngân hàng cần có giải pháp hỗ trợ pháp lý để giúp các doanh nghiệp này có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Theo Hai Yên/ Báo Tin tức