Tín dụng đến cuối tháng 4 đã lên tới 5,76% - cao nhất trong vòng 8 năm - là con số vừa được Thống đốc Lê Minh Hưng công bố tại hội nghị Thủ tướng đối thoại doanh nhân “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Trước đó, các cơ quan khác cũng đã đưa ra những con số thống kê khác nhau, tuy nhiên đều cho thấy sự đột biến trong tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 4/5/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng, cho biết tín dụng 4 tháng đầu năm tăng trưởng đạt 4,86%. Trong khi đó, theo số liệu ước tính của UBGSTCQG, tính đến hết tháng 4/2017, tín dụng tăng khoảng 5,2%, cao hơn hẳn so với mức 4,2% cùng kỳ năm 2016. Cũng theo báo cáo của UBGSTCQG, trong quý 1/2017, nhóm NHTMNN dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng 4,9%. Nhiều NHTM đã đẩy mạnh tín dụng khá cao ngay trong quý 1 như: Lienvietpostbank (11%), NHTM Kiên Long (10,3%), SCB (9%), ACB (8,3%), Vietcombank (8,3%).
Như vậy là số liệu cập nhật do Thống đốc Lê Minh Hưng công bố mới đây là con số cao nhất về tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm nay, cũng là mức cao nhất trong vòng 8 năm qua kể từ giai đoạn tín dụng tăng trưởng nóng năm 2009.
Tăng trưởng tín dụng cao là tín hiệu tích cực, thể hiện sự hấp thụ tốt nguồn vốn của nền kinh tế, tuy nhiên cũng làm dấy lên lo ngại về rủi ro xuất hiện bong bóng tín dụng, như những gì đã xảy ra giai đoạn năm 2009 khi tín dụng tăng trưởng nóng.
Mặc dù vậy, nếu so với giai đoạn năm 2009, có thể đánh giá tín dụng ở giai đoạn hiện tại có chất lượng tốt hơn hẳn với tỷ trọng phần lớn được đưa vào lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp thay vì các lĩnh vực phi sản xuất như chứng khoán, bất động sản…Phó Thống đốc NHNN, Ông Đào Minh Tú, cho hay, 88% trên tổng số tín dụng đã được tập trung vào các lĩnh vực sản xuất. Ví dụ như tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, chỉ trong thời gian ngắn phát động từ Chính phủ đã đạt tới 26.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, tín dụng tăng trưởng “nóng”, tập trung vào các lĩnh vực phù hợp là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, BVSC cho rằng vấn đề này cần được giám sát và theo dõi chặt chẽ. Các cơ quan quản lý cần đảm bảo nguồn tín dụng hoạt động hiệu quả, chảy vào đúng nơi, đúng chỗ, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn không để bong bóng tài sản xảy ra.
Theo Trí thức trẻ
>> Tín dụng các ngân hàng đang đổ nhiều nhất vào đâu?