Tin ở ngày mai...!

Đã gần 2 năm từ ngày tổ chức y tế thế giới chính thức công bố đại dịch COVID-19. Thế giới đã thay đổi khủng khiếp và sẽ không bao giờ quay trở lại như trước.
Tin ở ngày mai...!

Cách đây một năm, cả thế giới sốt ruột với câu hỏi: Mở cửa hay không để cứu nền kinh tế? Hay tiếp tục đóng cửa hạn chế để cứu người dân?

Sau 2 năm, hôm nay, cả thế giới vẫn tiếp tục loay hoay tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi gần giống như vậy: Kinh tế hay tính mạng của người dân?

Cái giá của mở cửa

Năm 2021, giữa lúc dịch còn đang bùng nổ, nước Anh có kế hoạch rõ ràng nhất để xóa bỏ từng bước hạn chế và hy vọng mở lại toàn bộ nền kinh tế sau ngày 21.6. Trong khi đó, phần lớn các nước trên thế giới đều đang tìm kiếm câu trả lời cho quyết định khó khăn này. Và đến nay, nước Anh trên thực tế đã gần như mở cửa đúng kế hoạch, họ đã tổ chức thành công giải Vô địch bóng đá Châu Âu, dù vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng lúc ít, lúc nhiều nhưng về cơ bản nước Anh đã kiểm soát thành công quá trình mở cửa của mình.

Hàng loạt nước đã quyết định mở cửa trước bài toán nan giải, sống còn: Mở cửa xã hội để cứu nền kinh tế hay đóng cửa xã hội, kinh tế hay cứu người dân? Nhưng được bao lâu?

Vừa mới tạm yên với giai đoạn “bình thường mới”, châu Âu đã phải đón mùa giáng sinh và năm mới trong nỗi lo lắng tột độ. Hàng loạt nước rơi vào thảm cảnh dịch bùng phát trở lại, bất chấp tỉ lệ tiêm vắc-xin cao. Chưa hết, biến thể Omicron mới xuất hiện làm mọi thứ đảo lộn và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được công bố nhanh hơn trong tình trạng lo lắng nói chung.

Châu Á và đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Campuchia... có nguy cơ bùng dịch từ những ổ dịch mang chủng Omicron “chưa kịp khoanh vùng”.

Trên khắp các châu lục, những con số ca nhiễm mới lại nhảy nhót hàng ngày. Lockdown again là cụm từ trở nên quen thuộc và được đón nhận, kiểu “thời phải thế, thế thời phải thế”.

Duy nhất tại Nhật Bản, dịch COVID-19 chững lại và gần như đang biến mất một cách khó hiểu. Tất cả các chuyên gia và xã hội đang tập trung nghiên cứu hiện trạng này và chưa ai đưa ra được kết luận đáng thuyết phục nhất.

Tại Việt Nam, khẩu hiệu “zero COVID” đã được thay bằng “sống chung với COVID”. Đó là một cách vừa sống chung vừa hòa nhập với thế giới khi mà tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam ở mức cao – trên 80% ở độ tuổi từ 12 tuổi trở lên. Các biện pháp hạn chế được nới lỏng > đóng > mở nhịp nhàng theo diễn biến của dịch. Sức ép về kinh tế, về vận tải hàng hóa quốc tế, sức ép về nhu cầu đi lại của người dân và quan trọng là Việt Nam không thể tách rời dòng chảy thương mại, du lịch của thế giới đã buộc chính phủ phải lựa chọn biện pháp mở cửa biên giới. Vâng! Đó là sự lựa chọn không thể khác được, song song với đẩy mạnh tiêm chủng mũi 2, mũi 3 cùng với sự cẩn thận giữ mình của từng cá nhân. 

Bình thường mới

Sau gần 2 năm với mọi thăng trầm, hy vọng, thất vọng, chúng ta có thể nói, cả nhân loại lần đầu tiên sau một thời gian dài phải chiến đấu để sinh tồn với bản thân, với thiên nhiên. Kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, chưa bao giờ nhân loại phải đối mặt với một hiện tượng, đại dịch có sức tàn phá như vậy. Từ đầu dịch đến nay, khoảng gần 300 triệu người nhiễm COVID-19, trong đó khoảng gần 6 triệu người đã tử vong. Và những con số tàn nhẫn này tiếp tục được bổ sung thêm từng ngày.

Rất may, với khả năng phát triển không nhỏ của loài người về mọi phương diện, chỉ trong thời gian ngắn những loại vaccine có hiệu quả nhanh chóng đã được ra đời và bao phủ một số lượng lớn dân số (đặc biệt ở các nước giàu có) nên đã ngăn chặn số người tử vong vì dịch bệnh.

Đến giờ thì cả thế giới đã hiểu, phải chung sống với COVID-19 và phải làm quen dần với điều đó, cũng như quen dần với việc tiêm vaccine phòng COVID như tiêm phòng cúm mùa hàng năm...

Sau một thời gian bối rối nữa (nhiều người hy vọng sẽ không kéo dài quá mùa hè năm 2020) các nước dẫn sẽ xác định rõ quy tắc đi lại, nhập cảnh cho người và hàng hóa. Hệ thống giao thông (đặc biệt đường hàng không) sẽ theo chuẩn hóa mới với những quy tắc dịch tế nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn và tốn kém hơn. Thế giới sẽ không bao giờ quay lại như cũ. Bên cạch cuốn hộ chiếu chính thức sẽ là một cuốn “hộ chiếu y tế” dù với bất kỳ tên gọi khác nhau theo từng nước, tưng văn hóa và ngôn ngữ phong phú.

Du lịch, giao thương, hệ thống phân phối toàn cầu sẽ được định hình lại nhưng đa số các quốc gia sẽ thay đổi quan niệm và cách tiếp cận với những vấn đề khủng hoảng, y tế, kinh tế sau bài học xương máu do dịch COVID dạy chúng ta. Qua giai đoạn khó khăn cũng hiện ra rõ nét hơn bao giờ sự khác biệt, phân chia “giai cấp mới” giữa các quốc gia giàu - nghèo và hơn thế, các nước cũng sẽ nhìn thấy “ai là ai trong vườn thú” như người Do Thái thường nói. Còn như người dân chúng ta hay nói vui: Bị cách ly y tế (phong tỏa) mới biết “thằng nào là thằng nấy” (biết ai là bạn).

Và Việt Nam chúng ta cũng sẽ không tránh khỏi những quy luật tự nhiên bất dịch đó nếu muốn tiếp tục tồn tại trong xã hội toàn cầu nói chung và trong nền kinh tế toàn cầu nói riêng. Nhiều người cũng nhìn thấy, những gì chúng ta đang trải qua hiện nay đã xảy ra trên thế giới tại nhiều nước trước đó nhiều tháng. Từ chuyện truy vết quyết liệt, cách ly tập trung, đóng băng hầu hết các hoạt động, phương thức tiếp nhận, xử lý những người không may mắn nhiễm bệnh... cho đến từng bước mở cửa, giảm dần truy vết cho tới việc phải cho F0 nhẹ tự cách ly, chữa bệnh ở nhà v.v và v.v.

Nhưng “Mọi việc rồi sẽ qua” như món quà đặc biệt của Benaiah đã tặng vua Salomon. Món quà mà ngay chính vua Salomon và phần lớn mọi người tin rằng không thể tồn tại trên thế gian này: “Món quà đó có sức mạnh kì diệu. Nếu kẻ nào đang vui, nhìn vào nó sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn nhìn thấy nó sẽ vui”.

Không vui sao được. Mùa xuân đã gõ cửa mỗi nhà rồi. Ta hãy tin ở hoa hồng, tin ở ngày mai. 

Xem thêm

Amazon có kế hoạch mở cửa hàng bán lẻ tại Mỹ

Amazon có kế hoạch mở cửa hàng bán lẻ tại Mỹ

Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, Amazon.com Inc đang có kế hoạch mở các cửa hàng bán lẻ lớn ở Hoa Kỳ, khi gã khổng lồ thương mại điện tử đang mở rộng dấu ấn của mình trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...