Mở cửa thị trường hàng không quốc tế để cứu nền kinh tế

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc mở bay quốc tế đối với những quốc gia đã kiểm soát dịch tốt còn để cứu nền kinh tế vốn đang rất cần được phục hồi qua duy trì đầu tư, du lịch và giao thương với nước ngoài.

Dự kiến đầu tháng 12/2021 sẽ mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế, tuy nhiên biến chủng mới Omicron đã khiến kế hoạch này phải xem xét lại. 

Nguy cơ mất thị trường hàng không quốc tế

Gần 2 năm bị tạm dừng bay quốc tế, các hãng bay Việt chỉ được phép bay bằng 4 hình thức: Giải cứu công dân; chở chuyên gia; thuê chuyến kèm cách ly và bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Với 4 hình thức này khách đều phải chi trả rất đắt đỏ và phải xin phép bay với rất nhiều thủ tục. Các chuyến bay này thường phải nhận được sự đồng ý của 4 bộ: Ngoại giao, Công an, Y tế, GTVT và mới đây là Bộ VHTTDL (đối với chuyến bay thí điểm đón khách quốc tế). Các hãng hàng không trong nước hoàn toàn bị động và bị biến thành hãng chở thuê cho các doanh nghiệp khác trên chính đường bay thông lệ của mình.

Mở đường bay quốc tế để cứu nền kinh tế, tuy nhiên biến chủng mới Omicron đã làm các kế hoạch phải tạm dừng. (Ảnh: Int)
Mở đường bay quốc tế để cứu nền kinh tế, tuy nhiên biến chủng mới Omicron đã làm các kế hoạch phải tạm dừng. (Ảnh: Int)

Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ gần 2 tháng. Trên 125 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người trên 18 tuổi. Trong đó, người trên 18 tuổi có 94% tiêm ít nhất 1 liều và gần 80% tiêm đủ 2 liều. Nhiều tỉnh thành tiêm đủ 2 mũi cho khoảng 80 - 90% người trên 18 tuổi trên địa bàn.

Hiện tình hình kinh tế xã hội có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, hàng không quốc tế vẫn bị đóng cửa, khiến ngành hàng không, du lịch tiếp tục gặp khó khăn, càng tụt hậu so với các nước trong khu vực và nguy cơ mất thị trường ngày càng lớn. 

Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ ngày 2/12/2021, Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc mở các đường bay là nhu cầu thực tế khách quan, không phải chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng có việc xem xét mở lại các chuyến bay để phát triển kinh tế xã hội, đi lại, giao thương, phát triển du lịch cũng như việc đi lại dịp Tết.

Theo ông Đông, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch mở đường bay quốc tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 8/11, trong đó đưa ra các quốc gia dự kiến, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 quốc gia khác.

Dự kiến Bộ GTVT xây dựng có phân ra thành 3 giai đoạn khác nhau, lộ trình khác nhau dựa trên nhu cầu của từng thị trường. “Hiện Bộ GTVT đang tiếp tục làm việc với các bộ ngành: Ngoại giao, Công an, Y tế, Văn hoá, thể thao và du lịch... để hoàn thiện báo cáo kế hoạch cuối cùng cho Thủ tướng", ông Đông cho biết.

Theo Bộ GTVT, việc mở đường bay quốc tế phải dựa trên điều kiện để mở được chuyến bay như xem xét khả năng phòng chống dịch, tiêm vaccine cho người dân, trên hết là sự đồng thuận của các quốc gia mà ta kết nối. Hộ chiếu vaccine là công cụ để chúng ta mở các chuyến bay. Do điều kiện dịch bệnh, xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nên đây cũng là một yếu tố tác động tới việc mở đường bay quốc tế, các nước cũng sẽ xem xét thận trọng hơn, đánh giá kỹ.

Theo kế hoạch, lộ trình và dự kiến mở lại đường bay quốc tế từ tháng 12/2021 và đầu năm 2022 có thể có những chuyến bay quốc tế nhưng do biến chủng mới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát và làm việc với các quốc gia để có thể nối lại các chuyến bay sớm nhất, từ đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, các nước đã mở bay quốc tế thương mại định kỳ và bỏ cách ly đối với khách đã tiêm đủ hai mũi, có kết quả âm tính từ lâu. Ngay cả Campuchia mới đây cũng đã làm như vậy, nhưng ở Việt Nam các hãng vẫn chưa được bay quốc tế định kỳ và khách nhập cảnh vẫn bị cách ly tập trung.

Để đối phó, nhiều công ty du lịch tổ chức cho khách bay trên các tuyến bay của hãng nước ngoài về Campuchia rồi về Việt Nam thông qua cửa khẩu đường bộ Tây Ninh. Nguy cơ mất thị trường hàng không quốc tế đã hiện hữu.

Mở bay quốc tế để mở cửa nền kinh tế

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc mở đường bay quốc tế đối với những quốc gia đã kiểm soát dịch tốt còn để cứu nền kinh tế vốn đang rất cần được phục hồi qua duy trì đầu tư, du lịch và giao thương với nước ngoài. Hàng không là ngành có sức lan tỏa rất rộng, là cầu nối quan trọng nhất với thế giới. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, không thể để thế giới sôi động còn mình thì ‘đóng cửa’ mãi. 

Cùng đó, các hãng hàng không cho rằng việc mở bay thương mại quốc tế định kỳ và không buộc cách ly đối với khách sẽ khiến giá vé bay lập tức giảm rất sâu. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho kiều bào, đặc biệt là những người đi làm việc, du học có cơ hội được về nước.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ này đang dự thảo phương án chỉ cách ly tại nhà 5 ngày đối với kiều bào và 3 ngày tại nhà đối với chuyên gia… đã tiêm đủ 2 mũi văc xin và có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.

Đồng tình quan điểm đó, các hãng hàng không đề nghị sớm công bố kế hoạch mở bay với các phương án chống dịch rõ ràng, dài hơi để kiều bào cũng như khách bay yên tâm lên kế hoạch bay. Các chuyến bay quốc tế phải đưa lịch bay và mở bán trước ít nhất 6 tháng. Nếu không công bố sớm và không quy định rõ ràng, khách sẽ không đủ thời gian đăng ký bay.

Do đó, cần khuyến khích hãng hàng không thực hiện test miễn phí cho khách trước khi lên tàu bay. Như thế sẽ bịt được lỗ hổng 72h từ khi nhận kết quả âm tính đến lúc lên tàu bay (sau khi có kết quả âm tính, khách vẫn đi lại, làm việc, vô tình bị dương tính mà không biết).

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…