Theo Bộ Xây dựng, tổng hợp đến cuối năm 2021, số lượng nhà ở đưa ra giao dịch trên thị trường nhưng còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2021 ước tính là khoảng 2.286 căn hộ. Như vậy lượng tồn kho bất động sản năm 2021 theo thống kê đã giảm hơn nhiều so với năm 2020 (năm 2020 khoảng 9.000 căn).
Bộ Xây dựng lý giải, lượng tồn kho bất động sản năm 2021 giảm so với năm 2020 một phần do nguồn cung hầu hết các phân khúc bất động sản mới của thị trường đều hạn chế. Nhìn chung, các phân khúc như căn hộ bình dân, căn hộ trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đặc biệt là đất nền đều được hấp thụ tốt và tính thanh khoản cao, hầu như không phát sinh tồn kho.
"Lượng tồn kho bất động sản chủ yếu tập trung vào phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi", Bộ Xây dựng cho biết.
Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, cả nước có 52 dự án du lịch nghỉ dưỡng với 13.554 căn hộ du lịch, 2.280 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép, số lượng dự án bằng khoảng 35,4% so với năm 2020; 19 dự án với 165 căn hộ du lịch đã hoàn thành xây dựng.
Khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng trong quý IV/2021 đã từng bước hoạt động trở lại ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, vẫn còn hết sức hạn chế, chưa thể phục hồi. Do đó, giá các loại bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố thương mại) tại hầu hết các dự án đang mở bán vẫn giữ nguyên mức giá của quý III/2021.
Do thị trường vẫn bị tác động bởi dịch, công suất thuê phòng toàn thị trường chưa tăng, giá thuê phòng khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng bình quân toàn thị trường thời điểm cuối quý IV/2021 giảm khoảng 15-20% so với thời điểm cuối năm 2020.
Không chỉ phân khúc nghỉ dưỡng, các khách sạn ở TP lớn cũng gặp khó khăn. Savills Việt Nam mới đây đã công bố những số liệu cập nhật của thị trường thương mại Hà Nội. Báo cáo cho thấy giá thuê trung bình năm 2021 của khách sạn vẫn giảm 9% theo năm, xuống mức 1,68 triệu đồng/phòng/đêm.
Theo đại diện đơn vị này, với các lệnh cấm di chuyển quốc tế nghiêm ngặt, khách du lịch nội địa vẫn là nhóm động lực chính cho ngành. Mặc dù Việt Nam đã có một chiến dịch tiêm chủng thành công và có các chương trình để phục hồi du lịch quốc tế, triển vọng ngành khách sạn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào chiến lược của Chính phủ và sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới.
Nói về nguyên nhân này, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2021, do tác động của dịch Covid-19, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề, việc mua bán, giao dịch trên thị trường gần như bị “đóng băng”, đặc biệt giai đoạn quý II và quý III do nhiều địa phương phải thực hiện việc giãn cách xã hội trong thời gian dài, hàng loạt các sàn giao dịch bất động sản phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp còn có khả năng chống đỡ.
Sang đến quý IV, sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các quy định nới lỏng giãn cách xã hội cũng được ban hành, đã giúp thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi đáng kể, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản đã hoạt động trở lại, nhiều sàn giao dịch bất động sản mới được thành lập.