Theo Tổng cục Hải quan, việc "siết" hàng hóa quá cảnh nhằm mục đích yêu cầu các đơn vị hải quan thực hiện nghiêm theo quy định tại Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Tại công văn số 5369/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chấn chỉnh việc kiểm tra thực tế đối với hàng hóa quá cảnh, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh/thành phố thực hiện nghiêm quy định về hàng hóa quá cảnh theo Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và các nước như Campuchia năm 2013, Lào năm 2009, Trung Quốc năm 1994 và Điều 43 Nghị định số 08/2015 NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.
Theo Tổng cục Hải quan, hàng hóa quá cảnh phải được giám sát bằng seal (niêm phong) định vị trong quá trình vận chuyển chịu sự giám sát hải quan từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, đi đúng tuyến đường, thời gian quy định.
Tại công văn, Tổng cục Hải quan cũng Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập và cửa khẩu xuất phải phối hợp giám sát chặt chẽ hàng hóa trong quá trình vận chuyển, lưu giữ trên lãnh thổ Việt Nam. Cơ quan Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát bằng các biện pháp nghiệp vụ, không kiểm tra tràn lan, chỉ kiểm tra thực tế trên cơ sở đánh giá rủi ro, xác định hàng quá cảnh có dấu hiệu vi phạm cụ thể.
Khi làm thủ tục xuất quá cảnh tại cửa khẩu xuất, Chi cục Hải quan kiểm tra, đối chiếu thông tin, nếu phát hiện phương tiện chứa hàng, niêm phong hải quan có dấu hiệu không đảm bảo nguyên trạng, phương tiện vận chuyển đi không đúng lộ trình, thời gian, tắt tín hiệu định vị thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa, công văn nhấn mạnh.
Vẫn theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, trong quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, nếu phát hiện hàng hóa quá cảnh vi phạm pháp luật thì việc xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan yêu cầu nếu phát hiện trường hợp công chức, lãnh đạo đơn vị hải quan thực hiện không đúng thì xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định.