Ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được ký kết vào ngày 30/6 vừa qua, đánh dấu mốc lịch sử cho quan hệ thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). Cùng với CPTPP được ký kết đầu năm nay, EVFTA được cho là sẽ mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam nói chung và dệt may nói riêng.
Tạp chí Thương Gia đã có cuộc trao đổi với ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn May Hồ Gươm về cơ hội và thách thức mà EVFTA mang đến cho ngành dệt may Việt Nam.
Dệt may được coi là ngành có lợi thế rất nhiều từ các cam kết của EVFTA khi thuế suất của mặt hàng này sang EU sẽ được giảm từ 11,9% về 0% trong vòng 7 năm tính từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực, ông có đánh giá thế nào về vấn đề này?
EVFTA được đánh giá là “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp Việt phát triển bởi kỳ vọng sẽ có một lượng lớn đơn hàng được đặt sẽ mở rộng năng lực cạnh tranh đối với các đối thủ và các thị trường xung quanh.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp dệt may thì trong thời gian trước mắt sẽ chưa có nhiều cơ hội mà ngược lại còn mang lại những thách thức vì EVFTA cũng như nhiều các hiệp định khác được ký kết trước đó về nguyên tắc xuất xứ. Các sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ, thỏa mãn 2 điều kiện là vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU và việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU mới được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại Hiệp định.
Trong khi đó, nguyên liệu (vải) mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đa phần có xuất xứ từ các nước chưa có hiệp định FTA với EU nên các doanh nghiệp về dệt may chưa thể được hưởng ngay các ưu đãi về thuế và cái khó khăn nữa là các điều kiện khác như điều kiện phi thuế quan vẫn duy trì như cũ không có gì thay đổi. Đối với ngành dệt may để có thể tận dụng được các cơ hội từ những hiệp định này tôi cho rằng phải từ 5-10 năm nữa.
Hội nhập khiến sức ép cạnh tranh gia tăng, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam để hưởng lợi, khi đó đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó kiếm hơn. Như trường hợp Việt Nam gia nhập CPTPP đến nay đã 6 tháng mà theo phản ánh của các doanh nghiệp họ đang bị sụt giảm đơn hàng tới 30% so với cùng kỳ, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Đây là vấn đề khiến khó khăn sẽ chồng khó khăn khi một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ dịch chuyển vào Việt Nam để tận dụng lợi thế từ Hiệp định CPTPP và EVFTA. Do đó, miếng bánh xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ bị chia sẻ , tạo áp lực cạnh tranh không hề dễ dàng.
Thực tế, tại EVFTA hàng hóa xuất nhập khẩu muốn được hưởng ưu đãi thuế, phi thuế hay hạn ngạch như cam kết thì cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ với nguyên tắc hàm lượng giá trị nội khối. Trong khi đó, với một số quốc gia trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar chưa hề có hiệp định FTA với EU nhưng vẫn đang được hưởng thuế suất 0% dẫn đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong khu vực.
Từ đây thì lại vẫn là vấn đề của ngành công nghiệp phụ trợ, ngành sản xuất vải và các phụ liệu. Tuy nhiên, trong dệt may vải là yếu tố chiếm tỷ trọng lớn nhất nên bất cứ hiệp định nào chúng ta ký kết mà có điều kiện tiên quyết là nguồn nguyên liệu như đã nói ở trên thì sẽ không có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt được hưởng các ưu đãi về thuế cũng như các ưu đãi khác để xâm nhập vào các thị trường lớn.
Đứng trước cả cơ hội và thách thức như vậy, May Hồ Gươm có sự chuẩn bị gì để vừa đón cơ hội lại vừa giải quyết được phần nào thách thức của các Hiệp định, thưa ông?
Hiện tại chúng ta đang làm gia công nhưng các các khách hàng cũng đang cố gắng lựa chọn những chủng loại vải mà Việt Nam có thể sản xuất được và sẽ đưa các đơn hàng có thể có nguồn nguyên liệu vải tại Việt Nam để các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất nhằm hưởng các ưu đãi về thuế.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần hoàn thiện về dây chuyền sản xuất, thu hút nguồn lao động nhằm tăng năng lực sản xuất, tăng năng suất để khi các đơn hàng về Việt Nam thì có thể có sẵn nguồn lực để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của đối tác về tiến độ giao hàng.
Thị trường Châu Âu là một thị trường “khó tính”, đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, trong thời gian qua May Hồ Gươm cũng đã có sự chuẩn bị tích cực cho các FTA thế hệ mới thông qua việc tập trung đầu tư vào dây chuyền sản xuất, thiết bị tiên tiến để tăng năng suất… nhằm cải thiện chất lượng tốt hơn, đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Vậy ông có kiến nghị gì nhằm tháo gỡ những khó khăn mà ngành dệt may đang phải đối mặt để hướng tới việc tận dụng được các cơ hội mà EVFTA mang lại?
Một khó khăn lớn của các doanh nghiệp ngành dệt may, đặc biệt là doanh nghiệp may tại các Hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương thì phía đối tác luôn tìm các điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Dù đưa ra những ưu đãi lớn nhưng vẫn luôn đặt ra những điều kiện tiên quyết phía trước đó sẽ dẫn đến việc không có quá nhiều các cơ hội thật sự cho các doanh nghiệp ngành may Việt Nam để phát triển.
Dưới góc độ của doanh nghiệp tôi cho rằng, khi bước vào đàm phán các Hiệp định Chính phủ cần phải rà soát kỹ lưỡng điểm mạnh điểm yếu của chúng ta là gì?
Chúng ta đã nói về ngành công nghiệp phụ trợ từ cách đây khá lâu, khoảng 10 đến 20 năm trước nhưng hiện tại vẫn chưa có một giải pháp cụ thể nào cho các doanh nghiệp may có cơ hội phát triển mà cụ thể là chưa có một khu hay một cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp dệt nhuộm hoàn tất nhằm sản xuất ra lượng vải đủ lớn để cấp ra thị trường nội địa.
Điều này còn phụ thuộc vào định hướng của Chính phủ nhằm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như thế nào cho phù hợp, khi đó các ngành sản xuất vải sẽ phát triển, các doanh nghiệp dệt may mới thật sự được hưởng lợi. Theo tôi, việc phát triển một khu công nghiệp chuyên sản xuất vải là việc làm rất cần thiết hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Tuệ Minh - Minh Anh thực hiện
>> Trước thềm EVFTA: Doanh nghiệp kêu khó... từ bên trong