Đại diện SAP Việt Nam chia sẻ: Trước đại dịch, xu hướng chuyển đổi theo hướng số hóa và dịch vụ hóa nền kinh tế đã được hình thành. Tuy nhiên, những bất ổn do đại dịch mang lại đã đẩy mạnh xu hướng này, đặc biệt, các DN đã mạnh tay đầu tư vào các hệ thống số trên nền tảng điện toán đám mây.
“Xu hướng DN thông minh và bền vững sẽ trở thành một hình thức kinh doanh mới. Điều này có nghĩa là, ngoài việc quản lý hoạt động kinh doanh và lợi nhuận, DN cần phải xem xét những tác động của hoạt động đến môi trường và xã hội, hướng tới hoạt động một cách thông minh và bền vững”, ông Nguyễn Hồng Việt nhấn mạnh và cho biết: “Điện toán đám mây”, “phát triển bền vững” và “đổi mới cho tương lai” sẽ là 3 từ khóa quan trọng để các DN cân nhắc khi hoạch định chiến lược hoạt động, giúp họ nhanh chóng phục hồi sau các gián đoạn kinh doanh.
Theo một nghiên cứu mới đây của Gartner, thị trường dịch vụ đám mây công được dự báo sẽ tăng 20,4% vào năm 2022, đạt mức 494,7 tỷ USD. Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) dự đoán rằng Việt Nam sẽ dẫn đầu Đông Nam Á trong việc ứng dụng điện toán đám mây, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên đến 32% trong giai đoạn 2018 - 2023.
Điều này có nghĩa là Việt Nam đang bước vào thời kỳ hoàng kim của chuyển đổi số và chiến lược “Dịch chuyển lên mây” sẽ đóng vai trò then chốt, giúp các DN trụ vững và phát triển trong nền kinh tế số.
“Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là cơ hội lớn để các DN phục hồi nhanh và làm giàu sự khác biệt của chính mình”, ông Việt khẳng định và cho biết: Bằng cách áp dụng chiến lược “Dịch chuyển lên mây” và có được các thông tin cần thiết từ hệ thống ERP trên mây, các DN Việt Nam có thể đổi mới trước đối thủ, trụ vững trong thời điểm khó khăn, tiết kiệm chi phí, và thích ứng nhanh với những thay đổi trên thương trường”.
Theo ông Việt, ngày nay, các DN có thể dễ dàng dịch chuyển các ứng dụng và quy trình lên mây để mở rộng quy mô và tận hưởng lợi ích của mô hình pay-per-use (trả cho mỗi lần sử dụng) để giảm tổng chi phí sở hữu (TCO).
“SAP Việt Nam cam kết hỗ trợ các DN Việt Nam chuyển đổi thành các DN thông minh và hoạt động bền với chiến lược Dịch chuyển lên mây”, ông Việt nhấn mạnh và tin rằng, chiến lược này cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu điện toán đám mây CAGR của SAP Việt Nam lên 54% vào năm 2025.
Trả lời câu hỏi về quy mô DN như thế nào thì mới có thể áp dụng được các giải pháp chuyển đổi số một cách hiệu quả của SAP, bà Hoàng Thu Quỳnh, Giám đốc kinh doanh khối DNNVV, SAP Việt Nam cho biết: DNNVV chiếm tới 95% DN tại Việt Nam và SAP đang miệt mài làm việc để giúp các DNNVV bắt tay vào hành trình chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu trở thành các DN thông minh và bền vững, đồng thời kiến tạo nền tảng số mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.
Hiện “RISE with SAP” là một dịch vụ đám mây trọn gói giúp các DN chuyển đổi số một cách toàn diện. Các giải pháp RISE với SAP cung cấp các gói thuê bao phù hợp với bất kỳ ngành nghề hoặc lĩnh vực kinh doanh nào.
“Các DN có thể lựa chọn loại hình dịch vụ và thiết kế chiến lược phù hợp nhất với mình để quản lý các mục tiêu phát triển bền vững bằng cách xác định, định lượng hóa, phân tích và hành động dựa trên thông tin chi tiết về dữ liệu”, bà Quỳnh nhấn mạnh và cho biết thêm: Trước đây, các DNNVV phải đối mặt với rất nhiều bất lợi khi tuyển dụng và giữ chân nhân tài, cũng như khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế đáng kể so với các DN lớn.
Tuy nhiên, với giải pháp đám mây dành riêng cho các DNNVV của SAP, họ có thể tiếp cận công nghệ 4.0 như các tập đoàn lớn, với các tùy chọn dịch vụ thuê bao đa dạng và chi phí đầu tư ban đầu ít hơn.
Ở một góc nhìn khác, ông Trương Mạnh Cường, Giám đốc Kinh doanh SAP Việt Nam, nhận định: Một trong những thách thức phát triển bền vững lớn nhất đối với hầu hết các DN Việt Nam là họ không biết bắt đầu từ đâu hay tập trung ở mảng nào. Nhưng với sự phát triển của công nghệ và dữ liệu thời gian thực, các DN Việt Nam có thể theo đuổi mục tiêu kép về tăng lợi nhuân và phát triển bền vững thông qua chiến lược kiềng ba chân: (1) minh bạch hóa báo cáo và tuân thủ; (2) tối ưu hóa và sử dụng dữ liệu bền vững trong các quy trình và quyết định kinh doanh, và (3) thúc đẩy tính bền vững xuyên suốt hệ sinh thái của mình.
“SAP sở hữu công nghệ và chuyên môn để hỗ trợ khách hàng ở mọi giai đoạn của hành trình phát triển bền vững. Phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu của SAP giúp các DN có được những hiểu biết hữu ích về chuỗi giá trị, cho phép các công ty chuyển đổi sang các quy trình kinh doanh thân thiện với môi trường, trong đó bao gồm ít phát thải, ít rác thải và bình đẳng hơn ”, ông Cường nhấn mạnh.
Bà Verena Siow – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SAP Đông Nam Á: "Các doanh nghiệp Việt đều rất sẵn sàng chuyển đổi số"
Tôi nhận thấy rằng các DN Việt Nam đều rất sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi sổ bởi họ nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của công nghệ trong việc thúc đẩy phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp. Mặt khác, các DN Việt Nam có ít hệ thống kế thừa hơn so với các DN trong khu vực và thế giới, do vậy họ có thể thoải mái ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất mà không phải lo chuyển dịch từ hệ thống cũ sang hệ thống mới.
Theo kinh nghiệm của tôi, có 3 yếu tố thúc đẩy sự thành công của một doanh nghiệp khi tham gia chuyển đổi số. Đầu tiên là tầm nhìn sáng tạo. Điều này sẽ giúp các DN cởi mở đón nhận những quy trình và công nghệ mới hơn. Thứ hai là khát vọng, hoài bão lớn. Rất nhiều DN Việt Nam có hoài bão sẽ mở rộng hoạt động sang các thị trường khu vực và toàn cầu. Đây là một điều rất tích cực vì nó sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tư duy thay đổi trong DN.
Cuối cùng là năng lực - các kỹ năng chuyên môn, các kiến thức cần thiết để phát triển. Và đây là cũng là điều mà SAP đang nỗ lực hợp tác để chia sẻ các chuyên môn, kinh nghiệm mà chúng tôi đã hun đúc được từ các thị trường khác tới các DN Việt Nam, giúp họ phát triển nhanh hơn và bài bản hơn.