Tổng cục Hải quan cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tiêu cực cũng như khó khăn của thế giới, nhưng xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt những kết quả đáng tự hào, với hàng loạt chỉ số tăng trưởng.
Cụ thể, tính chung năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 371,30 tỷ USD, tăng 10,5% (tương ứng tăng 35,14 tỷ USD) so với năm 2021. Còn tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 358,9 tỷ USD, tăng 7,8% (tương ứng tăng 26,06 tỷ USD) so với năm 2021.
Như vậy, cán cân thương mại thặng dư năm thứ 7 liên tiếp, đạt 12,4 tỷ USD trong năm 2022. Góp phần ổn định tỷ giá và ngoại hối,...
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, có 39 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 4 so với năm 2021 và 9 mặt hàng ghi nhận kim ngạch trên 10 tỷ USD.
Các nhóm/mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong năm qua là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 58 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 55,5 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt hơn 45,7 tỷ USD; hàng dệt may đạt hơn 37,5 tỷ USD; giày dép các loại đạt gần 24 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 16 tỷ USD; Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt gần 12 tỷ USD; hàng thủy sản đạt gần 11 tỷ USD…
Các nhóm/mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn trong năm qua là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 81,9 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt hơn 45,1 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 21,1 tỷ USD; vải các loại đạt hơn 14,7 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu đạt gần 12,4 tỷ USD; Sắt thép các loại đạt gần 12 tỷ USD; kim loại thường khác đạt hưn 9,25 tỷ USD; hóa chất đạt hơn 9,1 tỷ USD…
Theo đánh giá của Bộ Công thương, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Điều này tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, xuất khẩu tăng chậm lại từ quý IV/2022, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng. Một số mặt hàng chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá xuất khẩu giảm, đã làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm... điều này đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng xuất khẩu chung cả nước.
Cùng với đó, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn, chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, năng lực xuất khẩu các doanh nghiệp trong nước, nhất là vừa và nhỏ lại chưa cao, khả năng cạnh tranh kém.