Tuyến đường vành đai 3 đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, với tổng chiều dài gần 92km. Đây là tuyến đường huyết mạnh cực kỳ quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba, khai mạc cuối tháng 5.
Giai đoạn một, tuyến được đầu tư dài hơn 76km, tổng kinh phí hơn 75.300 tỷ đồng. Giai đoạn này, đường làm trước 4 làn cao tốc ở giữa, vận tốc 80 km/h. Hai bên tuyến xây đường song hành nhưng không liên tục mà bố trí qua các đô thị, khu dân cư có nhu cầu kết nối giao thông, kinh tế...
Các địa phương có tuyến đường đi qua được giao nghiên cứu khai thác quỹ đất dọc tuyến để có thêm nguồn lực đầu tư. Tại TP.HCM, sau khi rà soát có khoảng 514ha đất nằm dọc tuyến do nhà nước quản lý. Khi chưa có hạ tầng kỹ thuật trên đất, các khu này dự kiến đấu giá mang về gần 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dọc tuyến qua địa bàn thành phố còn có gần 1.900 ha người dân sử dụng, dự tính thu hồi để đấu giá.
Tương tự tại Đồng Nai, địa phương hiện xác định khoảng 214ha có thể đấu giá mang về hơn 4.300 tỷ đồng. Phía Bình Dương và Long An đang rà soát để có con số cụ thể.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết: TP.HCM đang tiếp tục rà soát quỹ đất dọc vành đai nằm trên địa bàn TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh để đấu giá, dự kiến sẽ mang về nguồn thu rất lớn để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ưu tiên ngân sách bố trí cho vành đai 3.
Trong kế hoạch phối hợp thực hiện dự án, các địa phương đặt mục tiêu khởi công vành đai 3 vào tháng 12/2023, cơ bản hoàn thành, thông xe kỹ thuật cuối năm 2025 và xong toàn bộ một năm sau đó. Riêng công tác giải phóng mặt bằng, cuối năm 2023 các địa phương đặt mục tiêu tỷ lệ bàn giao ít nhất 70% và hoàn thành toàn bộ giữa năm 2024.