Kỳ vọng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?

Vùng kinh tế Đông Nam bộ mà chủ lực là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đứng thứ hai cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới với 3.376 DN, chiếm 60% tổng số DN thành lập mới của cả nước. Với một
Kỳ vọng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?

Vùng kinh tế Đông Nam bộ cần chuẩn bị những bước đi vững chắc để đón đầu làn sóng đầu tư mới.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), cho biết, tính đến tháng 8/2016, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đầu tư 11.537 dự án với tổng số vốn 140,2 tỷ USD vào vùng kinh tế Đông Nam bộ (với đầu tàu là 4 tỉnh hạt nhân thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) nhưng chỉ có 70% vốn được giải ngân, tức là vẫn còn gần 50 tỷ USD chưa được giải ngân.

Đón đầu làn sóng đầu tư mới 

Số lượng dự án và vốn đầu tư nước ngoài ở vùng kinh tế Đông Nam bộ đang chiếm 57,4% và 48,4% FDI cả nước. Các dự án FDI của vùng tập trung 55,8% số dự án và 58% vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và chế tạo. Theo vị lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, vùng này có chỉ số mở cửa đạt gần 110% trong khi chỉ số cả nước chỉ khoảng 70%.

Tỷ lệ đầu tư trên GDP chiếm 50%, cao gấp 1,5 lần so với cả nước và có nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn khoảng 1,4 – 1,6 lần so với nhịp độ tăng trưởng bình quân chung cả nước. Nếu xét về tình hình đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới phân theo vùng lãnh thổ thì Vùng kinh tế Đông Nam bộ cùng với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng đang có số vốn đăng ký cao nhất so với các vùng còn lại trong cả nước với đăng ký 25.669 tỷ đồng (tăng 101,1%). 

Vùng kinh tế Đông Nam Bộ có chỉ số mở cửa đạt gần 110% trong khi chỉ số cả nước chỉ khoảng 70%.

Tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam bộ 2016 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức tại Tp.HCM vào cuối tuần qua, cũng nêu rõ tầm quan trọng, vị thế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuộc Vùng Đông Nam bộ trong bối cảnh hội nhập hiện nay với sức mạnh đột phá tăng trưởng.

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng khu vực này đang hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ của cả nước. Một số thành viên của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn dẫn đầu cả nước về mức tăng GDP, thu hút FDI và hơn cả là khả năng cải thiện môi trường kinh doanh thuộc nhóm tốt nhất cả nước.

Ông Phát lưu ý, việc thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ hơn nữa, hướng đến mở rộng quang hệ kinh tế liên vùng và quốc tế mới là điều quan trọng. Nhất là với nhiều FTAs đã và sẽ có hiệu lực chính là cơ hội để vùng này có những bước đi vững chắc và sẵn sàng đón đầu làn sóng đầu tư mới. 

Liên kết có sức cạnh tranh cao 

Với vai trò là khu vực năng động, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, dự kiến trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn đầu tư FDI vào Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng cũng như Vùng kinh tế Đông Nam bộ nói chung là sẽ đạt khoảng gần 60 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm khoảng 45 – 55% đầu tư nước ngoài của cả nước.

Để đạt mục tiêu này, Cục Đầu tư nước ngoài đã đề nghị các địa phương trong vùng cần tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và làm tốt công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển đô thị. Đặc biệt, phải tập trung cho các ngành sản xuất công nghệ cao, phát triển dịch vụ về tài chính, dịch vụ vận tải, hàng hải, logistics, công nghiệp hỗ trợ, sở hữu trí tuệ… có giá trị gia tăng cao, sẽ là những ngành trọng điểm ưu tiên thu hút FDI trong giai đoạn tới.

Đồng thời, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vùng này cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến – chế tạo, phải xem là giải pháp đột phá trong ngắn và dài hạn để vùng kinh tế phát triển bền vững. Dưới góc nhìn của Ts Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh hội nhập có nhiều thay đổi thì vùng này đang đứng trước ba thách thức cơ bản.

Thứ nhất là nguồn lực nào sẽ là động lực để phát triển kinh tế; Thứ hai là sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi giữa các nền kinh tế và doanh nghiệp; Thứ ba là sự thay đổi của thị trường cung, cầu sẽ thay đổi cách vận hành của nền kinh tế.

Dưới góc độ đầu tư, Phó Cục trưởng Đặng Xuân Quang khuyến nghị bên cạnh khai thông nguồn lực mới thì trước hết vùng này cần phát huy những nguồn lực đang nắm trong tay. Ông Quang cho biết thêm, hiện nay năng suất lao động ở vùng kinh tế Đông Nam bộ còn thấp, đó là thách thức lớn trước bối cảnh hội nhập. Hiệu quả năng suất lao động hiện đang bị giới hạn bởi đơn vị hành chính.

Để vượt qua các thách thức trong hội nhập hiện nay, Ts Đoàn Duy Khương cho rằng vùng này cần phải định vị là một khu vực thống nhất, liên kết kinh tế có sức cạnh tranh cao cả ở thị trường trong nước và quốc tế, nhằm đảm bảo sự tăng trưởng khu vực; tạo ra nhiều công ăn việc làm và phát triển các ngành nghề có năng suất cao.

Hơn nữa, nên xác định rõ lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm, phân khúc sản phẩm cốt lõi có khả năng liên kết và cạnh tranh ở trong nước cũng như quốc tế (theo các tiêu chí tốc độ, quy mô và bền vững), cũng như phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới. Mặt khác, như khuyến nghị của ông Khương, cần xây dựng các cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm như thể chế, chính sách, giáo dục, nghiên cứu đào tạo… nhằm tăng cường sức liên kết và cạnh tranh của các ngành nghề cốt lõi cho vùng.

Theo Thế Vinh/TBKD

Có thể bạn quan tâm