Đề xuất vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP.HCM sau khi cùng nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, hoàn chỉnh lộ trình, điểm dừng đón, trả khách. Thời gian thí điểm một năm.
Các tuyến buýt điện gồm: VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thuơng mại Emart, dài 27 km); VB02 (Vinhome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất, 30 km); VB03 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn, 29 km); VB04 (Vinhome Grand Park – Bến xe miền Đông mới, 8,5 km); VB05 (Vinhome Grand Park – Bến xe miền Đông mới – Khu đô thị ĐH Quốc gia, 10 km).
Dự kiến có 77 xe buýt điện (6,5 tỷ đồng mỗi chiếc) hoạt động trên 5 tuyến. Xe có sức chứa 65-70 chỗ (đứng - ngồi), sử dụng năng lượng điện không phát khí thải ra môi trường, hạn chế tiếng ồn.
Tuyến buýt điện D1 (lộ trình: Công viên 23/9 - Thảo Cầm Viên) sử dụng loại xe 12 chỗ do doanh nghiệp khai thác, chạy trên đường Hàm Nghi, quận 1. Ảnh: Gia Minh
Tuyến buýt điện D1 (lộ trình: Công viên 23/9 - Thảo Cầm Viên) sử dụng xe 12 chỗ chạy trên đường Hàm Nghi, quận 1. Ảnh: Gia Minh
Giá vé của các tuyến buýt điện được đề xuất 3.000 đồng mỗi lượt đối với học sinh, sinh viên và 5.000-7.000 với nhóm khách còn lại, tùy tuyến. Nhà đầu tư kiến nghị các tuyến buýt được trợ giá, theo phương thức đặt hàng để lựa chọn doanh nghiệp khai thác.
Các tuyến buýt này sẽ sử dụng các điểm đầu cuối hiện phục vụ xe buýt gồm: bến xe buýt Sài Gòn; bãi hậu cần số 1; sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe buýt ký túc xá B Đại học Quốc gia; bến xe miền Đông mới.
Riêng điểm đầu cuối trong khu dân cư Vinhom Grand Park (quận 9) được đề xuất xây dựng bến bãi rộng 2.400 m2 với 20 chỗ đậu. Nhà đầu tư cũng xây một depot (nơi sửa, bảo trì) gần 10.000 m2 trong khuôn viên Vinhom Grand Park cho xe đậu xe qua đêm, nạp điện, bảo dưỡng, sửa chữa.
Sở Giao thông Vận tải TP HCM đánh giá việc mở các tuyến buýt phù hợp với chủ trương phát triển vận tải công cộng, giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng sạch, nâng cao chất lượng phục vụ.
Cũng theo sở này, lộ trình các tuyến này đa số đi qua những nơi chưa có xe buýt và kết nối nhiều khu dân cư mới: Khu đô thị Vinhome Grand Park, Khu dân cư Phước Thiện, Khu dân cư Khang Điền, Khu công nghệ cao, Đại học FPT, Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Cảnh sát nhân dân... nên không ảnh hưởng các tuyến buýt hiện hữu, giúp kết nối, mở rộng mạng lưới xe buýt.
Về trợ giá, Sở Giao thông Vận tải cho rằng tỷ lệ khoảng 44% là phù hợp. Con số này được tính toán từ số liệu trợ giá trung bình trong 10 năm (2009-2019) của các tuyến buýt.
Trước đó đầu năm 2017, TP HCM mở 3 tuyến buýt điện loại 12 chỗ không trợ giá, với giá 12.000 đồng mỗi lượt, phục vụ khách tham quan, dân cư khu vực nội bộ. Trong đó tuyến D1 chạy quanh khu trung tâm thành phố; hai tuyến D2 và D3, chạy ở khu Phú Mỹ Hưng (quận 7).
TP.HCM hiện có hơn 2.300 xe buýt chạy trên 128 tuyến, gồm 91 tuyến trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Mạng lưới xe buýt thành phố phủ khắp 24 quận, huyện, nhưng mới tiếp cận khoảng 55% phường, xã.
Thanh Lan