"Hình hài" khu kinh tế trên được nêu ra trong Dự thảo Đề án định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Theo đó, khu kinh tế này bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của quận 7 (3.500 ha), huyện Nhà Bè (10.000 ha), một phần huyện Bình Chánh (xã Bình Hưng 1.374 ha, xã Phong Phú 1.870 ha), huyện Cần Giờ (xã Bình Khánh 4.339 ha và một phần diện tích xã An Thới Đông, xã Lý Nhơn dọc sông Soài Rạp khoảng 5.000 ha), không bao gồm Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Phần lõi của Khu kinh tế là Khu chế xuất Tân Thuận (300 ha), Khu đô thị Cảng Hiệp Phước (1.354 ha) cùng với hệ thống cảng biển, cửa khẩu quốc tế, trung tâm logistics đi cùng.
Ngoài các khu công nghiệp, còn có các khu đô thị, dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung ứng dịch vụ, tiện ích công cộng và xã hội cho khu công nghiệp.
Hiện, trong diện tích dự định quy hoạch của Khu kinh tế, các dự án Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh)... đang được tiến hành xây dựng.
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), việc thành lập khu kinh tế lớn sẽ có nhiều lợi ích cho cả nhà đầu tư và địa phương nơi có khu kinh tế.
Cụ thể, khu kinh tế ở phía Nam hướng ra biển với không gian phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn và năng lực sản xuất tổng hợp (phát triển cả công nghiệp, dịch vụ và đô thị), đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi khu vực ven biển kém phát triển của TP.HCM trở thành vùng động lực phát triển kinh tế. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình thành khu đô thị chất lượng cao.