Cụ thể, Sở Công thương TP.HCM đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện hướng dẫn các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực siêu thị, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí lực lượng cán bộ, nhân viên dự phòng để ứng phó, bổ sung ngay lực lượng lao động trong trường hợp một hay nhiều chi nhánh có ca nhiễm, nghi nhiễm đã từng đến làm việc, tham quan, mua sắm.
Đồng thời, hướng dẫn các siêu thị, cửa hàng đã được xử lý phòng, chống dịch đầy đủ, người làm việc có nguy cơ lây nhiễm đã được giám sát thì được giải tỏa phong tỏa để hoạt động trở lại, góp phần đảm bảo việc cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân địa phương được liên tục, xuyên suốt, không để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung cục bộ.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường cung cấp đầy đủ hàng hóa, thực hiện bình ổn thị trường để phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa; khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.
Phải đảm bảo giãn cách tại hệ thống siêu thị trên địa bàn theo hướng chia từng đợt, điều tiết số lượng khách ra vào siêu thị phù hợp, không để tập trung đông người tại quầy thu ngân, khu vực dịch vụ; thực hiện các thủ tục khai báo y tế và đo thân nhiệt cho toàn bộ người ra vào.
Ngoài ra, Sở Công thương cũng yêu cầu điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi không thấp hơn 25 độ C và vẫn đảm bảo thông thoáng, vệ sinh và bảo quản hàng hóa. Nhân viên và khách hàng thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng chống dịch Covid - 19 khi đến tham quan, mua sắm.
Cần bố trí dung dịch rửa tay kháng khuẩn tại lối ra, lối vào để mọi người sử dụng trước và sau khi mua sắm hàng hóa; triển khai giải pháp hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên và khách hàng và các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 khác theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế.