Khởi kiện vì xử phạt không đúng đối tượng
Ông Nguyễn Trường Giang cho biết: Ngày 10/7/2020, UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Trường Giang vì “đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn; tổng diện tích đất vi phạm 104.3m2” và đã tổ chức thi công 5 công trình có diện tích khoảng 12m2 đến 44m2 trên một phần các thửa đất số 472, 471, tờ bản đồ số 5 (tài liệu chỉnh lý 1992), thuộc Bộ Địa chính xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Tp.HCM. Thời điểm chiếm đất được xác định là năm 2020.
Quyết định do ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nêu rõ: Mức phạt đối với hành vi vi phạm của ông Giang là 15 triệu đồng và buộc ông khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, đồng thời buộc trả lại đất đã chiếm.
Cho rằng, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định xử phạt mình là không đúng, ông Nguyễn Trường Giang đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân TP.HCM.
Trong đơn kiện, ông Giang cho biết: Ông là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư GTP (Công ty GTP). Các công trình mà Biên bản số 01/BB-VPHC ngày 30/06/2020 và được ghi nhận trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 425/QĐ-XPVPHC ngày 10/7/2020 là do Công ty GTP xây dựng.
Do vậy, ông Giang khẳng định cá nhân mình không có hoạt động xây dựng hay chiếm đất gì như quy kết trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính do ông Nguyễn Văn Tài ký. Chính vì vậy, ông đã khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên đối với cá nhân mình.
Cũng theo trình bày của ông Giang trong đơn khởi kiện, ngày 25/12/2017, Công ty CP Khu công nghiệp Phong Phú (Công ty Phong Phú) ký hợp đồng thuê bảo vệ và quản lý tài sản đối với Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Phát triển Thương mại Dịch vụ TMT (Công ty TMT).
Theo đó, Công ty TMT là đơn vị bảo vệ và quản lý tài sản cho Phong Phú đối với khu đất 120ha thuộc dự án Khu công nghiệp Phong Phú, tọa lạc tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Hợp đồng này cũng quy định, Công ty TMT có quyền và nghĩa vụ đầu tư xây dựng các công trình để bảo vệ khu đất, đồng thời được quyền khai thác hợp lý khu đất và cũng có quyền được tự do hợp tác kinh doanh trên khu đất.
Trên cơ sở hợp đồng này, ngày 12/01/2018, Công ty TMT ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 09/HDHTKD với Công ty GTP. Theo hợp đồng này, Công ty GTP sẽ thực hiện việc đầu tư toàn bộ các công trình trên khu đất 120ha nói trên và thực hiện các hoạt động kinh doanh cho thuê đất trống nhằm khai thác kinh doanh khu đất. Hợp đồng cũng quy định việc phân chia lợi nhuận giữa TMT và GTP.
Ngay sau khi ký hợp đồng, Công ty GTP đã xây dựng tổng cộng 5 công trình chủ yếu là kết cấu khung cột sắt + cây, mái tôn, vách tôn, diện tích từ khoảng 12m2 đến 44m2 trên khu đất.
“Cá nhân tôi luôn chấp hành đúng quy định của pháp luật, chưa có bất kỳ hành vi vi phạm nào nhưng UBND huyện Bình Chánh lại ra quyết định xử phạt hành chính với tôi như vậy là rất vô lý! Việc Công ty GTP có các tài sản tại dự án trên được thực hiện theo các hợp đồng kinh tế dân sự, không liên quan đến cá nhân tôi”, ông Giang bức xúc.
Doanh nghiệp cầu cứu, “tố” chính quyền lạm quyền
Trước đó, liên quan đến các quyết định cưỡng chế, xử lý vi phạm tại khu đất nêu trên, ông Nguyễn Trường Giang cũng đã có đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng, báo chí với mong muốn làm rõ trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan.
Theo ông Giang, Công ty GTP là doanh nghiệp được sử dụng khai thác và bảo vệ hợp pháp tại diện tích đất thuộc dự án Khu công nghiệp Phong Phú theo hợp đồng hợp tác kinh doanh ký với Công ty TMT. Vì vậy, việc Công ty GTP xây dựng các công trình nêu trên là hoạt động hợp tác kinh doanh hợp pháp theo những gì mà hai bên ký kết.
Thế nhưng, “ngày 16/6/2020, đoàn cưỡng chế của UBND xã Phong Phú do ông Phùng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã dẫn đầu đã tiến hành phá dỡ các công trình tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú.
Tuy nhiên, đoàn cưỡng chế đã lạm quyền, tự ý phá dỡ các công trình, tài sản của Công ty GTP nằm ngoài các công trình bị tháo dỡ theo quyết định của UBND TP.HCM, UBND huyện Bình Chánh”, ông Giang viết trong đơn.
Cụ thể, theo ông Giang, các công trình nằm ngoài phạm vi tháo dỡ nhưng đã bị đoàn cưỡng chế tháo dỡ gồm: Một hệ thống điện năng lượng mặt trời; thiết bị máy hơi, cưa; đồ dùng sinh hoạt như xe đạp, quạt máy; chốt bảo vệ, 30 biển báo… với tổng thiệt hại mà Công ty GTP ước tính vào khoảng 900 triệu đồng.
“Tất cả những tài sản mang đi đều không lập biên bản”, ông Giang cho biết.
Ở một diễn biến khác, ông Giang cho biết: Kể từ khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TMT, Công ty GTP đã đầu tư chi phí hạ tầng, tường rào và chi phí bảo vệ khu đất rộng 120ha tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú, tổng chi phí đầu tư ước tính gần 20 tỷ đồng.
Mặc dù hợp đồng hợp tác của GTP với Công ty TMT vẫn còn hiệu lực nhưng Công ty CP Khu công nghiệp Phong Phú không tôn trọng, tự ý ký hợp đồng cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác mặt bằng tại phần đất thực hiện dự án để kinh doanh, dẫn đến tranh chấp, mất an ninh trật tự tại khu vực. Cụ thể, Công ty Phong Phú đã ký kết với Công ty TNHH DV Kho bãi Lộc Phát để trông giữ và quản lý toàn bộ khu đất tại dự án.
“Điều này đã dẫn đến tình trạng tranh chấp kéo dài, làm thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của GTP. Vì vậy, chúng tôi tha thiết mong UBND TP.HCM sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, giải quyết các tranh chấp giữa Công ty CP Khu công nghiệp Phong Phú và các doanh nghiệp có liên quan nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương, chấm dứt tình trạng sai phạm tại dự án”, ông Giang bày tỏ.
Thương Gia sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!